Nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp

Những năm qua, huyện Thuận Châu đã tạo điều kiện cho các hợp tác xã tiếp cận các chính sách hỗ trợ; quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Liên kết sản xuất - hướng đi hiệu quả bền vững

Vùng nguyên liệu chè xã Phổng Lái.

Trước đây, do chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nên năng suất chè ở xã Phổng Lái đạt thấp, sản phẩm chỉ phân phối ở địa phương, giá trị không cao. Có thời điểm, nhiều hộ dân phá bỏ cây chè để trồng loại cây khác. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động các hộ liên kết thành lập HTX, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chế biến chè.

Năm 2013, HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận được thành lập với 25 thành viên và liên kết với hơn 400 hộ dân, quy mô sản xuất gần 500 ha. HTX hướng dẫn thành viên và các hộ dân liên kết áp dụng quy trình kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến và từng bước sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Năm 2019, HTX xây dựng thương hiệu “Chè Trọng Nguyên - Phổng Lái Thuận Châu”, sản phẩm được công nhận đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh. Năm 2021, sản phẩm được tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu chè Phổng Lái. Hiện nay, chè đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của xã, với 670 ha chè, chủ yếu là giống chè Olong, chè xanh, giá trị 1 ha đất sản xuất chè đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, chia sẻ: Sản phẩm chè của HTX được trưng bày, giới thiệu tại nhiều hội nghị, gian hàng của tỉnh, huyện và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Thời gian tới, HTX tiếp tục đầu tư trang thiết bị máy móc; xây dựng vùng nguyên liệu an toàn để sản xuất sản phẩm chè chất lượng, phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đóng gói thành phẩm chè Trọng Nguyên. 

Tại xã Bon Phặng, nhiều nông dân đã thay thế cây sắn trên triền đồi bằng những vườn cây ăn quả: na, cam, thanh long, nhãn... áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, nhiều diện tích được bón phân hữu cơ, chế phẩm sinh học. Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả của ông Đặng Quốc Tuấn, thành viên HTX phát triển cây ăn quả Nam Tiến, bản Nam Tiến. Tham gia HTX, gia đình ông được hướng dẫn chuyển từ trồng ngô, sắn năng suất thấp sang trồng cây vú sữa Hoàng Kim, mít, nhãn chín sớm, thanh long ruột đỏ, lê tai nung, na Hoàng hậu… theo quy trình VietGAP và hữu cơ.

Ông Tuấn chia sẻ: Tất cả diện tích cây trồng của gia đình đều sử dụng công nghệ tưới phun mưa, nhỏ giọt và sử dụng phân bón hữu cơ. Nhờ đó, sản phẩm được nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh đến thu mua. Sản lượng đạt hơn 60 tấn quả các loại/năm, trừ chi phí lãi trên 700 triệu đồng.

Thành viên HTX phát triển cây ăn quả Nam Tiến, xã Bon Phặng, chăm sóc cây trồng.

Đồng hành với các HTX, các cơ quan chuyên môn của huyện đã chuyển giao khoa học kỹ thuật; hướng dẫn nông dân quy trình chăm sóc cây trồng. Liên kết sản xuất giữa hộ nông dân, tổ hợp tác, HTX với doanh nghiệp theo chuỗi. Năm 2023, huyện hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận VietGAP cho các HTX nông nghiệp: Cha Mạy, Cà phê Cát Lót, Nông nghiệp tổng hợp bản Bay, HTX Tú Tài. Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho HTX cà phê Cát Lót và bao bì, đóng gói sản phẩm cho HTX nông nghiệp xanh Thuận Châu. Tạo điều kiện cho các HTX tham gia hội chợ, hội nghị trưng bày, triển lãm, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và sản phẩm khác của các HTX. Phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức 6 hội nghị tuyên truyền sáng lập viên thành lập HTX cho 300 người dân các xã Bản Lầm, Chiềng Bôm, Pá Lông, Co Tòng, Phổng Lăng, Chiềng Pấc.

Ông Hà Trung Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững. Huyện đã khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đẩy mạnh sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ liên kết thành lập HTX để tạo sản phẩm có chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Các HTX đã đã làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống sang ứng dụng khoa học kỹ thuật; chủ động liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo chuỗi, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, đem lại thu nhập ổn định cho các hộ thành viên.

Chung sức xây dựng NTM

Theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, đạt được tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, các xã cần đạt 3 chỉ tiêu: HTX hoạt động đúng quy định của Luật HTX năm 2012; có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững; thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương. 

Huyện Thuận Châu đã đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến Luật HTX, các chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM cho các HTX. Khuyến khích các HTX củng cố bộ máy, xây dựng phương án sản xuất, đầu tư máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Hiện nay, huyện có 11/28 xã đạt tiêu chí số 13, trong đó, có 5 xã đạt chuẩn NTM.  

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả cho người dân xã Chiềng Pha.

 Ông Lò Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Pha, chia sẻ: Thực hiện tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, xã tuyên truyền, vận động các hộ dân liên kết thành lập HTX và chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Đến nay, xã có 3 HTX nông nghiệp; doanh thu đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm. Các HTX đã trở thành điểm tựa cho thành viên và người dân trong liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Đây là điều kiện để xã cán đích NTM vào cuối năm 2023 vừa qua.

Anh Lường Văn Cường, Giám đốc HTX nông nghiệp tổng hợp bản Bay, xã Tông Cọ, cho biết: Thành lập năm 2022, HTX có 9 thành viên. Đến nay, HTX có 30 ha cà phê và 7 ha cây mận hậu; thâm canh hơn 5 ha rau xanh. Toàn bộ diện tích rau của HTX được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tháng 12/2022, HTX được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 30 con lợn giống. Đến nay, đã nhân rộng được 30 con lợn nái và xuất bán 110 con lợn thịt. Năm 2023, trừ chi phí sản xuất, các thành viên thu lãi 400 triệu đồng.

Thành viên HTX nông nghiệp tổng hợp bản Bay bón phân cho cà phê.

Hiện nay, Thuận Châu có 58 HTX, trong đó, 53 HTX nông nghiệp, với trên 1.000 thành viên. Hoạt động của các HTX đã tác động tích cực vào việc hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”. Đến nay, huyện có 8 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, gồm sản phẩm du lịch điểm du lịch Pha Đin Top; trà Olong Thu Đan; cá rô phi phi lê sông Đà; cá trắm hun khói Chiềng La; chè Trọng Nguyên. Duy trì 10 chuỗi liên kết phát triển sản phẩm; 26 chuỗi cung ứng nông sản an toàn; 27 chuỗi cung ứng thực phẩm, thủy sản an toàn; 10 mã số vùng trồng, với 182 ha, nâng diện tích được cấp giấy chứng theo quy trình VietGAP lên hơn 600 ha.

Sự liên kết trong sản xuất đã thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của huyện Thuận Châu phát triển theo hướng bền vững. Thời gian tới, huyện tiếp tục đồng hành cùng các HTX nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần cùng huyện thoát nghèo đúng kế hoạch.

Bài, ảnh: Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới