Mường La phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững

Phát huy tiềm năng, lợi thế khí hậu, đất đai, những năm qua, huyện Mường La đã tuyên truyền, vận động nhân dân, HTX chuyển đổi cây trồng trên đất dốc sang trồng cây ăn quả, đáp ứng tiêu chuẩn tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu, nâng cao đời sống nhân dân. 

Dọc các xã Mường Bú, Tạ Bú, Mường Chùm, Chiềng Hoa, Chiềng San, trên những vạt nương, triền đồi phủ kín màu xanh của cây ăn quả. Dừng chân tại xã Mường Bú vùng trồng cây ăn quả nhiều nhất huyện với 1.600 ha xoài, nhãn, mít, táo, bưởi, mận, cam, vải thiều, chuối..., sản lượng đạt trên 11.500 tấn quả/năm.

Người dân thi hái táo đại tại Ngày hội hái quả xã Mường Bú.

Ông Cà Văn Dọn, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã vận động các hộ dân ứng dụng các kỹ thuật vào chăm sóc cây ăn quả, phòng trừ sâu bệnh hại, tạo sản phẩm an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng, từng bước xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đến nay, diện tích cấp chứng nhận an toàn, chứng nhận hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, mã số vùng trồng của xã đạt hơn 400 ha, trong đó 350 ha chuối. Năm 2023, sản lượng chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 400 tấn.

Các hộ dân xã Mường Bú sản xuất đóng gói chuối để chuẩn bị xuất khẩu. 

Ông Quàng Văn Phi, Giám đốc HTX chuối tây Sơn La Mạc Phi, xã Mường Bú, chia sẻ: HTX liên kết sản xuất trên 150 ha chuối tây, tất cả đều được đăng ký mã số vùng trồng. HTX luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn, sản phẩm chuối của chúng tôi đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Mỗi ngày, HTX thu mua 10 tấn quả, tạo việc làm cho 10 lao động địa phương tham gia đóng gói, vận chuyển sản phẩm xuất khẩu.

HTX Nông nghiệp Mường Bú chăm sóc xoài. 

Đến xã Tạ Bú thời điểm này, trên những sườn đồi vườn xoài, nhãn đã nở rộ hoa. Ông Lò Văn Bước, Chủ tịch UBND xã Tạ Bú, chia sẻ: Bám sát chủ trương của tỉnh và huyện, xã đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc. Từ năm 2015, bà con đã cải tạo vườn tạp, chủ yếu là vườn nhãn, xoài giống địa phương lâu năm; trồng mới gần 100 ha cây ăn quả các loại, như nhãn, mít thái, táo, chanh, ổi, bưởi, cam... nâng diện tích cây ăn quả của xã lên gần 550 ha, sản lượng gần 2.000 tấn quả các loại/năm; trồng 7 ha dứa phục vụ nguyên liệu nhà máy chế biến. 

Ông Lò Văn Cường, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Tạ Búng, cho biết: Hiện nay bản có 124 hộ trồng 50 ha xoài, nhãn. Bản được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ làm mô hình thí điểm để cải tạo cắt ghép 4 ha xoài địa phương để nâng cao chất lượng, năng suất. Nhờ trồng cây ăn quả, nhiều gia đình xây nhà, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5%.

Sản phẩm trà táo mèo HTX dược liệu núi, tiểu khu 2, thị trấn Ít Ong 

Ở các xã vùng cao, như: Ngọc Chiến, Chiềng Công, Chiềng Ân, Chiềng Muôn, Hua Trai, Nặm Păm đã trồng 2.500 ha sơn tra. Cây sơn tra ở Mường La không chỉ bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho bà con mà còn là sản phẩm phát triển du lịch, huyện đã được Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm Ngày hội Hoa sơn tra, tôn vinh nét đẹp của hoa sơn tra. Với sản lượng sơn tra của huyện hằng năm khoảng trên 8.000 tấn, huyện Mường La cũng đã khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài huyện đầu tư chế biến tạo ra các sản phẩm từ quả sơn tra như trà sơn tra, nước ép sơn tra và dịch sơn tra, quả sơn tra, hiện tại sản phẩm quả sơn tra được tiêu thụ ổn định.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Định hướng phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp xanh trên địa bàn. Chỉ đạo UBND huyện, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, phát huy trồng cây ăn quả theo hướng thế mạnh của từng vùng, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến.

Tập trung triển khai tốt chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh, gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các HTX tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh, mở rộng liên kết theo chuỗi giá trị giữa các HTX với doanh nghiệp về tiêu thụ quả; vận động HTX, doanh nghiệp quan tâm thu mua, chế biến các sản phẩm từ cây ăn quả.

Nhân dân xã Pi Toong thu hoạch vải thiều.

Năm 2023, toàn huyện trồng mới 697,7 ha cây ăn quả, nâng tổng số diện tích cây ăn quả toàn huyện lên 6.547,7 ha; sản lượng quả đạt 25.000 tấn; diện tích sơn tra toàn huyện 2.500 ha, sản lượng quả 8.029 tấn; có 855 ha cây trồng được cấp chứng nhận an toàn, chứng nhận hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng quả đạt tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ, VietGAP, an toàn thực phẩm 1.539 tấn. Đến nay, huyện có 25 mã số vùng trồng, với diện tích 633 ha, xuất khẩu Trung Quốc, thị trường EU và bày bán tại các siêu thị: BigC, Vinmax, Lotte, AEON,Co-op Mart, Metro và nhiều cửa hàng rau, củ, quả sạch trong và ngoài tỉnh. 

Gian hàng trưng bày sản phẩm táo đại tại Ngày hội hái quả xã Mường Bú.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, huyện Mường La có 700 ha cây trồng được cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ. Đồng thời, phát triển các loại cây trồng, như xoài, cây mận, chuối, dứa... theo chuỗi liên kết phục vụ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến; sản lượng đạt 20.100 tấn; trong đó 4.690 tấn được cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ, theo hướng hữu cơ, sản phẩm an toàn.

Nhân dân xã Mường Bú đóng gói xoài chuẩn bị xuất khẩu. 

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển cây ăn quả bền vững, huyện Mường La tăng cường tuyên truyền về lợi ích của sản xuất hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, làm thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của nông dân. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng sản phẩm OCOP, cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ, sản phẩm an toàn.

Thu hút, tạo điều kiện cho nhà đầu tư liên kết với các HTX thực hiện các dự án trồng cây ăn quả, theo tiêu chuẩn VietGAP, chế biến sản phẩm từ cây ăn quả, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới