Liên kết sản xuất, đưa nông sản đặc trưng vùng cao ra thị trường

Nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng ưa chuộng nông sản sạch vùng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, HTX nông nghiệp sinh thái Efarm É Tòng, xã É Tòng, huyện Thuận Châu đã liên kết sản xuất, kết nối đưa các sản phẩm nông sản đặc trưng của nông dân đến với thị trường trong và ngoài tỉnh.

Thành viên HTX nông nghiệp sinh thái Efarm É Tòng chăm sóc đàn gà đen bản địa. 

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình phát triển kinh tế của HTX, chị Lò Thị Bưởi, Giám đốc HTX, chia sẻ: Cuối năm 2021, tôi và 5 hộ dân trong xã tham gia dự án nuôi gà đen giống bản địa theo hướng an toàn sinh học do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai, với quy mô trên 3.000 con. Sau 4 tháng được cán bộ tận tình hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh, đàn gà lớn nhanh, phát triển tốt, thịt săn chắc, chất lượng thơm ngon, hàm lượng mỡ thấp hơn hẳn các giống gà khác và là vị thuốc quý trong dân gian, có đầu ra ổn định. Khi xuất bán đúng dịp Tết Nhâm Dần năm 2022, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Thấy hiệu quả từ mô hình, tháng 2/2022, tôi đã đứng ra vận động các gia đình có diện tích đất canh tác liên kết thành lập HTX, mở rộng quy mô nuôi, sau 2-3 tháng, HTX lại xuất 1 lứa.

Đến nay, HTX đã xuất bán hơn 5.000 con gà, trọng lượng bình quân từ 1,2-2 kg/con và được bán theo yêu cầu của khách (bán nguyên con hoặc mổ sẵn hút chân không), với giá từ 150.000- 180.000 đồng/kg. Thời điểm này, HTX đang nuôi 3.000 con gà đen để phục vụ khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2023.

Bên cạnh phát triển nuôi gà bản địa, nhận thấy khách hàng có nhu cầu cao về thịt lợn đen bản địa, HTX đã nuôi 100 con lợn thịt, không sử dụng cám tăng trọng nên chất lượng thịt tốt, thơm ngon; giá bán từ 70.000-75.000 đồng/kg hơi, được khách hàng ưa chuộng tìm đến đặt mua, nhiều lúc không đủ để bán ra thị trường. Ngoài ra, HTX còn trồng 3ha lạc, đậu xanh, đỗ tương. Hơn nữa, nhận thấy đẳng sâm là loại dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện thời tiết, đất đai, sinh trưởng, ít bị sâu bệnh, tốn rất ít công chăm sóc; nhưng người dân trong xã chỉ trồng manh mún xen với cây ngô, sắn. Do vậy, HTX đã chủ động trồng 2 ha đẳng sâm, liên kết tìm đầu ra thương lái ở tỉnh Điện Biên; năm nay, đã xuất bán được 600 kg khô, với giá 150 nghìn đồng/kg và 2 tấn đẳng sâm tươi, với giá 28 nghìn đồng/kg.

Với việc mạnh dạn, chủ động phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp, từ khi thành lập đến nay, ngoài xuất bán gà, lợn và dược liệu, HTX còn tiêu thụ hơn 2 tấn lạc, đậu đỗ các loại. Nông sản của HTX được chào bán trên mạng xã hội, các cửa hàng thực phẩm sạch Hà Nội, Huế và một số tỉnh, thành khác trong toàn quốc, thu trên 2 tỷ đồng; trung bình mỗi hộ thành viên thu trên 200 triệu đồng.

Đến thăm mô hình nuôi gà đen của gia đình anh Lò Văn Pâng, thành viên HTX, với quy mô hơn 1.000 con đang chuẩn bị cho xuất bán ra thị trường. Anh Pâng hào hứng khoe: Trước đây, gia đình tôi cũng nuôi gà nhưng với số lượng ít, nên hiệu quả kinh tế thấp. Sau khi tham gia HTX, tôi và các thành viên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, đầu tư hệ thống chuồng trại, đàn gà đã phát triển tốt, ít dịch bệnh. Nhờ đó, giá trị kinh tế cao hơn so với chăn nuôi nhỏ lẻ. Hiện, nhu cầu của thị trường về thịt gà đen ngày một lớn, gia đình tôi sẽ nuôi thêm 1.000 con gà đen trong năm tới.

Chia sẻ với chúng tôi về định hướng trong thời gian tới, chị Lò Thị Bưởi, Giám đốc HTX, thông tin thêm: Dù mới thành lập, song các sản phẩm của HTX đã có uy tín trên thị trường. Năm 2023, HTX sẽ mở rộng quy mô sản xuất, liên kết với người dân trong và ngoài xã nuôi 400 con lợn đen, 30.000 con gà đen; trồng 10 ha đậu đỗ các loại và 5 ha đẳng sâm. Đồng thời, phối hợp xây dựng trứng gà đen bản địa thành sản phẩm đặc trưng của xã É Tòng và là sản phẩm OCOP của huyện, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên và người dân tham gia chuỗi liên kết. HTX cũng mong muốn được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả.

Với hướng đi đúng, HTX nông nghiệp sinh thái Efarm không chỉ hỗ trợ các hộ thành viên phát triển sản xuất hiệu quả, mà còn tạo ra sản phẩm đặc trưng, kết nối tiêu thụ, đưa nông sản, đặc sản vùng cao Thuận Châu vươn xa, được thị trường, người tiêu dùng ưa chuộng, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc vùng cao cùng vươn lên thoát nghèo.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới