Chính sách xuất phát từ lòng dân • Kỳ 1: Nghiên cứu kỹ để chính sách phù hợp

Sơn La là tỉnh miền núi khó khăn, chủ yếu đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống nên có nhiều chính sách, nghị quyết liên quan được HĐND tỉnh bàn thảo, quyết nghị. Bám sát thực tiễn, các cơ chế, chính sách trước khi được ban hành đã được HĐND tỉnh lắng nghe nguyện vọng từ cơ sở; đồng thời thường xuyên giám sát quá trình tổ chức triển khai thực hiện, điều chỉnh kịp thời, góp phần khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh.

Đối thoại để có chính sách hiệu quả

Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh, một trong những nghị quyết được thông qua là chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2023-2025. Đây là nội dung được đông đảo cử tri quan tâm, chính vì vậy, HĐND tỉnh đã tổ chức Hội nghị đối thoại trực tuyến để đối thoại với nhiều thành phần; trong đó có đại diện lãnh đạo các xã, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chăn nuôi. 

Đồng chí Nguyễn Thái Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết: Việc tổ chức đối thoại là cần thiết, bởi khi chính sách ban hành sẽ có tác động mạnh tới đời sống, thu nhập của nhân dân. Trên cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân các địa phương, căn cứ tình hình thực tiễn của tỉnh, hội nghị lắng nghe các ý kiến tham gia đóng góp công khai, dân chủ, khách quan để xây dựng chính sách sát với thực tiễn cuộc sống, góp phần chuyển đổi bền vững hình thức chăn nuôi đại gia súc nông hộ quy mô nhỏ sang chăn nuôi đại gia súc tập trung. Bảo đảm an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị đối thoại của Chủ tịch HĐND tỉnh về xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.  Ảnh: PV

Đối thoại là việc làm được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm triển khai. Định kỳ hằng năm, Chủ tịch HĐND tỉnh thực hiện đối thoại với cử tri theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến về việc ban hành cơ chế, chính sách HĐND tỉnh dự kiến ban hành như: Đối thoại với đoàn viên, thanh niên tỉnh; đối thoại về chính sách phát triển du lịch, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân về xây dựng cơ chế, chính sách; xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân nắm bắt thông tin về hoạt động của HĐND…

Sau các kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị cử tri để gửi tới các địa phương, đơn vị và Thường trực HĐND, UBND các huyện, thành phố nơi có kiến nghị cử tri để biết, theo dõi và thông tin đến cử tri về kết quả trả lời, giải quyết của các cơ quan đơn vị có liên quan. Đồng thời, gửi đến các cơ quan thông tấn báo chí để đưa tin, tuyên truyền để người dân được biết.

Tổ đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc với cử tri phường Quyết Thắng.

Thẩm tra chuyên sâu từng nội dung, lĩnh vực

Sau khi UBND tỉnh xây dựng dự thảo nghị quyết, các Ban của HĐND tỉnh tiếp tục thẩm tra trước khi trình kỳ họp. Thẩm tra của các Ban của HĐND tỉnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, chủ yếu nhằm xem xét tính hợp hiến, hợp pháp, khoa học, khả thi của vấn đề được đề cập trong báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo Nghị quyết của UBND trình Kỳ họp HĐND cùng cấp đã được cơ quan chuyên môn của UBND thẩm định, xem xét, đánh giá và đưa ra kết luận mang tính pháp lý bằng văn bản. Kết quả thẩm tra là cơ sở phản biện quan trọng để đại biểu HĐND thảo luận và quyết nghị. Từ đó đảm bảo cho nghị quyết của HĐND ban hành hợp hiến, hợp pháp, khoa học, khả thi cao, đi vào đời sống.

Giờ ăn của học sinh Trường mầm non 1/6, xã Nậm Lầu, huyện Thuận Châu.

Là tỉnh miền núi có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số cùng sinh sống nên có nhiều chính sách, nghị quyết liên quan được HĐND tỉnh bàn thảo, quyết nghị. Cách đây 10 năm, trong điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn, song HĐND tỉnh Sơn La đã ban hành chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh. Bám sát thực tiễn, HĐND tỉnh thường xuyên giám sát quá trình tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo chính sách không bị “méo mó” khi về cơ sở; kịp thời điều chỉnh nghị quyết theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho học sinh vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn được học tập, ăn nghỉ tại trường. 

Bà Quàng Thị Xuyến, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, đánh giá: Công tác nấu ăn tập trung cho trường thuộc xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh là một chủ trương lớn của tỉnh, nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của cả hệ thống chính trị. Qua 5 lần sửa đổi, bổ sung nghị quyết cho thấy công tác xây dựng chính sách rất linh hoạt, nhạy bén trước những thay đổi của thực tiễn và càng chứng minh rõ tính thiết thực đối với con em đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh thẩm tra các nội dung trình Kỳ họp lần thứ tám, HĐND tỉnh khóa XV.   Ảnh PV

 Cũng bởi tầm quan trọng đó, hoạt động thẩm tra được các ban của HĐND tỉnh thực hiện bảo đảm đúng quy trình, từng bước đổi mới theo hướng chuyên sâu vào từng nội dung, lĩnh vực. Cùng với đó, tăng cường khảo sát, nắm tình hình thực tế, kết hợp với nghiên cứu tài liệu tham khảo để phục vụ tốt cho hoạt động thẩm tra. Trong quá trình thẩm tra, các Ban của HĐND tỉnh đã có nhiều ý kiến phản biện đối với nội dung các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết, được UBND tỉnh tiếp thu, bổ sung, nhằm đảm bảo đúng các quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Ông Lò Văn Thân, Trưởng ban Dân tộc của HĐND tỉnh, cho biết: Thẩm tra tốt sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả ban hành nghị quyết của HĐND. Ban Dân tộc đã tổ chức giám sát chặt chẽ các tờ trình, dự thảo nghị quyết nhất là các nội dung liên quan về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Những nghị quyết HĐND tỉnh được xây dựng, ban hành trên cơ sở thẩm tra, giám sát kỹ lưỡng trong thời gian qua đã và đang được tổ chức thực hiện có hiệu quả và đạt được sự đồng thuận cao trong nhân dân, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Những con số ấn tượng

Từ năm 2021 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 1.158 nghị quyết. Trong đó có 63 nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khuyến khích đầu tư phát triển trên các lĩnh vực; giải quyết một số vấn đề xã hội và hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho vùng sâu, vùng xã vùng đồng bào dân tộc thiếu số.

Nhiều nghị quyết ban hành nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp Nhân dân, góp phần tạo nên động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, điển hình như: Về phát triển kinh tế - xã hội: Nghị quyết về chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân chuyển đổi từ trồng cây lương thực trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; trồng phát triển sản xuất, tiêu thụ, quảng bá giới thiệu sản phẩm nông sản; Cơ chế, chính sách phát triển một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh (thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm nông nghiệp, các khu đô thị sinh thái...). Cơ chế hỗ trợ thực hiện làm đường giao thông nông thôn, hệ thống thuỷ lợi, thu gom rác thải...ở các địa bàn xã, bản khó khăn.

Về văn hoá, du lịch, đời sống, giáo dục và y tế có những chính sách như hỗ trợ nấu ăn bán trú cho học sinh; khuyến khích nâng cao chất lượng dạy và học; hỗ trợ đội văn nghệ bản; hỗ trợ túi thuốc y tế bản; chính sách phòng chống và kiểm soát ma túy; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên đia bàn tỉnh đến năm 2020; khuyến khích bác sĩ, dược sĩ về công tác tại tỉnh Sơn La; hỗ trợ đối với lưu học sinh các tỉnh nước CHDCND Lào; hỗ trợ thành lập trường mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh;...

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua nghị quyết.

Việc ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh, nhất là các nghị quyết quy phạm pháp luật đã có sự tham gia phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh theo quy định; đảm bảo thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục lấy ý kiến tham gia của các đối tượng chịu sự tác động của cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh ban hành. Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo các Ban của HĐND tỉnh tổ chức khảo sát, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết đã ban hành; kịp thời xem xét, thống nhất với UBND tỉnh để giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để các nghị quyết đã ban hành thực sự đi vào đời sống, được Nhân dân đồng tình và tham gia thực hiện hiệu quả, khai thác tối đa các nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân địa phương.

Nhiều nghị quyết quan trọng mang tính đột phá trên các lĩnh vực được ban hành, phù hợp thực tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực của địa phương, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và các tầng lớp nhân dân đã đưa các nghị quyết vào cuộc sống.

(Còn nữa)

 

 

Việt Anh - Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới