Chuyển đổi số nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Tạo đột phá về chất lượng đào tạo, những năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hoạt động dạy học, kiểm tra và đánh giá, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Sơn La ứng dụng công nghệ thông tin tham gia Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Thực hiện Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 9/5/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng kế hoạch, lộ trình cho từng năm, từng giai đoạn; tập trung nguồn lực tăng cường cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin; phát triển chương trình, nội dung đào tạo phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số. Việc đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản và nâng cao được thực hiện trên môi trường số, lồng ghép vào chương trình đào tạo các môn học liên quan tới kỹ năng số để sau khi ra trường, người học có thể tiếp cận ngay với các công việc.

Hiện nay, tỉnh có 3 trường cao đẳng, đào tạo các ngành nghề: Sư phạm; chăm sóc sức khỏe; nông, lâm nghiệp; nội vụ; văn hóa du lịch; nghệ thuật; cơ khí; công nghệ ô tô; điện dân dụng... Việc chuyển đổi số đang được các cơ giáo dục nghề nghiệp triển khai từ quản lý, đào tạo, giảng dạy đến nghiên cứu khoa học, tuyển sinh...

Phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo về nhân lực có kỹ năng số, sẵn sàng làm việc trong môi trường số, Trường Cao đẳng Sơn La đã xác định 4 nhóm mục tiêu cần đạt được đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, có 244/293 cán bộ viên chức, người lao động được cấp đủ 6 chứng chỉ kỹ năng số cơ bản; 100% các chương trình đào tạo chuyển đổi theo mô đun, tín chỉ, đào tạo theo phương thức kết hợp, trong đó 30% đào tạo trực tuyến; 100% chương trình đào tạo có đầy đủ giáo trình số kèm theo chương trình đào tạo. Phát triển mới 2 chương trình đào tạo; bổ sung các phần mềm mô phỏng cho Khoa Nông lâm (63 môđun) và Khoa Văn hóa du lịch (92 môđun); hoàn thiện hệ thống thư viện điện tử; xây dựng 168 bài giảng điện tử để đưa vào sử dụng trên hệ thống.

Ông Nguyễn Đức Long, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sơn La, thông tin: Trong chương trình đào tạo, nhà trường đã xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo (chương trình khung) cho các ngành, nghề trường đang được cấp phép theo quy định tại Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH ngày 1/3/2017. Nhà trường xác định công tác chuyển đổi số là là xu thế tất yếu trong kế hoạch chiến lược phát triển, vì vậy tập trung nguồn lực, tăng cường cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin; phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Tại Trường Cao đẳng Y tế Sơn La, nhà trường đang triển khai 3 chuyên ngành đào tạo chính: Cao đẳng điều dưỡng, cao đẳng dược, cao đẳng hộ sinh. Trong chuyển đổi số, trường xác định rõ mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu đến năm 2030, đó là: 100% nhà giáo được đào tạo phát triển học liệu số; 100% chuẩn đầu ra chương trình đào tạo các trình độ được tích hợp năng lực số; có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác với nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia. Thực hiện số hóa quá trình học tập, kết quả học tập, văn bằng giáo dục nghề nghiệp của người học và kết nối, tích hợp dữ liệu lên môi trường số.

Bà Lò Thị Kiểu, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Sơn La, cho hay: Xác định chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động, nhà trường đã rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định của trường để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Triển khai nền tảng tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin trong và ngoài lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, 100% cán bộ, giáo viên và người lao động được tham gia tập huấn chuyển đổi số. Đồng thời, thực hiện quản lý đào tạo, quản lý và xử lý văn bản, công tác tuyển sinh, thư viện điện tử trên môi trường số.

Việc dạy học kết hợp với các thiết bị điện tử, trình chiếu hình ảnh, video clip cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Em Đinh Thị Lan Chi, lớp Dược K11A, Trường Cao đẳng Y tế Sơn La, chia sẻ: Giờ giảng được hỗ trợ thêm máy tính, máy chiếu, các phần mềm dạy học, các clip mô phỏng, tạo hứng thú, tăng khả năng tiếp thu kiến thức, sự tương tác giữa thầy và trò, giúp chúng em tiếp thu bài nhanh hơn

Với mục tiêu đến năm 2025, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có 70% chuẩn đầu ra chương trình đào tạo các trình độ được tích hợp năng lực số; 100% chương trình đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, công nghệ số được cập nhật phù hợp với ứng dụng khoa học công nghệ mới; 50% cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện số hóa quá trình học tập, kết quả học tập, văn bằng giáo dục nghề nghiệp của người học và kết nối, tích hợp dữ liệu lên môi trường số; 50% hoạt động kiểm tra chuyên ngành về giáo dục nghề nghiệp được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý...

Để đạt được mục tiêu đề ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường đầu tư máy móc, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ nhằm hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng số, phương pháp đào tạo số cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đào tạo trong kỷ nguyên số, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh.

Bài, ảnh: Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới