Rừng bản Bon đang bị xâm hại

Trên địa bàn xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, có nhiều rừng già, nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi hiện đang bị xâm hại, phá hoại môi trường sinh thái. Điều đáng nói, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, nhưng vẫn chưa được xử lý.

Sáng ngày 30/4, trong vai người mua mật ong và theo chân một số người dân, chúng tôi thâm nhập hiện trường rừng đang bị xâm hại. Từ bản Bon, xã Mường Chiên, vượt qua lòng hồ thủy điện Sơn La rộng mênh mông mới “đột nhập” vào được khu rừng già nằm đối diện với cột mốc của trung tâm huyện Quỳnh Nhai cũ nổi lên trên mặt nước. 

Chúng tôi đi đường vòng tiếp cận một ngọn núi đá cao sừng sững, cách khu đường chính vào bãi xẻ gỗ khoảng 400m. Sau gần 30 phút di chuyển trên sông, mới đến được chân núi, khu vực này nằm lẩn khuất sau vài hòn đảo, trên bờ xuất hiện một số ván gỗ nằm rải rác.

Để tìm ra hiện trường xẻ gỗ thật không dễ dàng! Neo thuyền cẩn thận, chúng tôi bắt đầu leo trên những mỏm đá tai mèo, tại đây, chỉ còn lại tàn tích của những cây nghiến đã bị khai thác từ lâu. Gần 1 giờ đồng hồ leo núi, các lối mòn đã bị cây cối tầng thấp phủ kín và xuất hiện nhiều hang sâu bị lá cây rừng che lấp, vô cùng nguy hiểm. Không thể tiếp tục tuyến đường này, chúng tôi buộc phải quay lại con đường chính. Lúc di chuyển trên thuyền, chúng tôi phát hiện một gốc cây nghiến có đường kính khoảng 1,5m, đang bị khai thác nốt phần gốc và rễ, đang ôm chặt vào núi đá tai mèo. Am hiểu về khu rừng, nhìn vết cưa và vết cắt thân cây, người dân dẫn đường cho chúng tôi nói: Cây này bị hạ hơn 1 năm nay rồi.

Gốc của "cụ" nghiến đang bị tận thu.

Gần đến đường vào hiện trường, đồng hồ đã chỉ 12h trưa. Lúc này, một người đàn ông chạc 30 tuổi đang lái chiếc xe U oát nhìn không rõ biển số, đằng sau xe được chế thêm một càng bằng sắt. Người đàn ông này thấy chúng tôi tiếp cận bờ, nên dừng lại quan sát và đã lén quay clip hoạt động của chúng tôi rồi lái xe vào sâu bên trong rừng. Người dẫn đường bảo: “Đây là xe kéo gỗ từ rừng vận chuyển ra lòng hồ. Để đưa chiếc xe này đến đây, người ta phải chở bằng thuyền to từ bản Bon”. Cũng đúng lúc này, chúng tôi bắt đầu nghe thấy tiếng cưa máy bên trong khu rừng vọng ra rất rõ.

Chiếc xe U oát dùng để kéo gỗ từ trong rừng ra bờ sông.

Neo thuyền nghỉ trưa để lấy sức, sau 30 phút, chúng tôi bắt đầu tiến sâu vào trong khu rừng. Đi theo đường mòn có vết ô tô khoảng hơn 1km, chúng tôi thấy chiếc xe U oát cà tàng đang đỗ gần một ngôi nhà sàn ngói đỏ kiên cố. Ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa khu rừng già bao quanh và những ngọn núi đá cao vút, cùng 2 hồ tự nhiên rất rộng và đẹp. Xung quanh 2 hồ nước này đều là rừng già, có rất nhiều cây gỗ to.

Ngôi nhà sàn được thiết kế kiểu 3 gian, 2 trái, rộng khoảng hơn 100m² , được làm bằng gỗ nghiến và một số loại gỗ khác. Dưới gầm sàn còn vứt ngổn ngang nhiều thanh gỗ lớn, đáng chú ý là có 3 hộp gỗ có vết xẻ mới tinh, rộng khoảng 1m, dày khoảng 10cm, dài chừng 3m. Xung quanh ngôi nhà còn có nhiều thanh gỗ nằm la liệt. Tại đây, chúng tôi không thể ghi lại nhiều hình ảnh, bởi sự cảnh giác rất cao của 4 người đàn ông trong ngôi nhà, trong đó, có chủ nhà là ông Hoàng Văn Họa.

Khu rừng già của bản Bon.

Khoảng 13h 30p, chợt nghe tiếng cưa máy từ xa vọng về. Lấy lý do phải quay về vì đã muộn, chúng tôi quay ngược theo lối ra. Trên đoạn đường này có cả chục lối mòn hướng vào khu rừng già. Khi thoát khỏi sự theo dõi của những người đàn ông trong nhà sàn, chúng tôi bắt đầu tiến vào rừng, hướng theo tiếng cưa máy.

Bám vào những mỏm đá tai mèo sắc nhọn để leo lên núi, chúng tôi luôn cảnh giác cao độ, bởi chỉ sơ sẩy một chút là có thể gặp tai nạn. Càng leo lên cao, tiếng máy cưa càng rõ. Leo được khoảng 20p, xuất hiện tiếng xe máy từ trong ngôi nhà sàn hướng ra bờ sông. Chỉ khoảng 5p sau đó, bỗng có tiếng hú từ dưới chân núi, dường như để báo hiệu sự xuất hiện của chúng tôi cho ai đó.

Song tiếng hú diễn ra đồng thời với tiếng máy cưa, nên đã không báo động được về sự xuất hiện của người lạ; tiếng cưa máy vẫn tiếp tục vang lên đều đều và ngày càng rõ hơn. Bất chợt, chúng tôi nghe tiếng gỗ, lẫn tiếng đá lăn từ trên cao xuống. Cả nhóm nháo nhác, tìm chỗ nấp, sợ gỗ và đá lăn vào mình. Tiếp tục leo tiếp 20 phút, tiếng hú lại vọng lên cao, lúc này tiếng cưa mới dứt. Anh em đã rất mệt, nhưng chúng tôi phải cố gắng leo thêm khoảng 25 phút nữa, mới đến gần sát dãy núi đá vôi thẳng đứng.

Trước mắt, một cảnh tượng xót xa hiện ra, rất nhiều cây rừng đã bị đốn hạ, nhiều hộp gỗ, ván gỗ, thanh gỗ mới tinh nằm ngổn ngang trong rừng. Cố gắng chạy theo, bắt kịp để chụp hình ảnh lâm tặc bỏ trốn, một thành viên không may bị con dao mèo xiên vào chân, chảy rất nhiều máu, nên anh em chúng tôi phải dừng lại. Lúc này, để ý quan sát xung quanh còn thấy nhiều hộp dầu nhớt dùng cho máy cưa.

Hiện trường xẻ gỗ.

Một hộp gỗ đang được xẻ ván còn mới tinh 

Ván gỗ nằm la liệt tại hiện trường.

Gốc cây có đường kính khoảng 80cm vừa bị đốn hạ.

Một cây gỗ khác đang bị xẻ "thịt".

Mỗi ván gỗ dày 5cm, rộng 30-40cm, dài khoảng 3-4m.

Mở rộng tìm kiếm ra xung quanh, chúng tối đếm được 5 điểm xẻ gỗ với gần chục gốc cây gỗ rất chắc, có cũ, có mới, nhưng do không có chuyên môn, nên không rõ chủng loại. Các cây gỗ bị lâm tặc hạ xuống, trung bình có đường kính 60-70 cm, bị cưa máy cắt ngang còn đang rỉ nhựa.

Những cây gỗ bị hạ có đường kính từ 70-80cm.

Rất nhiều ván gỗ dày 5cm, rộng 30-40cm, dài khoảng 3m và những hộp gỗ với những vết mực đen nằm la liệt trong rừng.

Ván gỗ nằm la liệt khắp nơi.

Lâm tặc bỏ trốn, để lại cây gỗ đang bị xẻ.

Một hiện trường xẻ gỗ khác.

Chụp ảnh, thu thập tư liệu, nghe có tiếng sấm ầm ầm, mây đen kéo về. Nhìn ánh mắt e ngại của người dẫn đường, chúng tôi quyết định dừng tìm kiếm và quay ra về thuyền. Trên đường đi, người dẫn đường nói: “Khu rừng này còn nhiều điểm xẻ gỗ lắm, gỗ rừng này chủ yếu là nghiến, dổi, chai, đinh hương và nhiều loại gỗ tạp khác”.

Để phản ánh tình trạng quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn xã, chúng tôi đã gọi điện cho ông Điêu Chính Thuận, Chủ tịch UBND xã Mường Chiên, nhưng ông Thuận nói là đang nghỉ lễ nên không cung cấp thông tin gì. Tiếp tục gọi điện cho ông Lừ Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Chiên, nhưng ông Toản cũng không nghe máy.

Trao đổi với Ban quản lý bản Bon, Trưởng bản Lò Văn Phiệng cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn bản không có hiện tượng chặt, phá rừng, cháy rừng nào. Bản có 32 người trong Tổ quản lý, bảo vệ rừng; hằng tuần, đều đi tuần tra, kiểm tra rừng của bản. Còn khu rừng tại khu nhà ông Hoàng Văn Họa lại thuộc về bản Quyền.

Tuy nhiên, khi trao đổi với ông Lò Văn Mới, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Quyền, thì ông Mới khẳng định: Khu rừng chỗ trang trại của ông Họa trước đây là thuộc bản Quyền. Nhưng khi rà soát lại việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, thì khu rừng đó nay đã do bản Bon quản lý.

Rừng bản Bon đang "chảy máu". Nếu không có sự vào cuộc kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thì sẽ không bao lâu nữa, những cánh rừng già nơi đây sẽ bị tàn phá, tận diệt. Hãy cứu lấy rừng!

Nhóm PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới