Nông dân Phiêng Khoài trồng lê Tai Nung

Với 1.000 gốc lê Tai Nung trồng thử nghiệm thành công tại bản Cồn Huốt 1, đến nay, người dân xã Phiêng Khoài (Yên Châu) đã nhân rộng và phát triển hơn 60 ha, mở ra hướng phát triển kinh tế mới ở xã vùng cao biên giới.

Nông dân xã Phiêng Khoài (Yên Châu) chia sẻ kinh nghiệm trồng giống lê Tai Nung.

Chúng tôi đến thăm vườn lê Tai Nung của gia đình chị Đinh Thị Mây, bản Cồn Huốt 1 đúng vụ thu hoạch. Gia đình chị Mây là hộ đầu tiên của xã Phiêng Khoài đưa giống lê Tai Nung vào trồng. Năm 2014, qua tìm hiểu trên sách báo và trực tiếp tham quan mô hình trồng lê của một người bạn ở tỉnh Lào Cai, chị Mây quyết định trồng 1.000 gốc lê; sau 3 năm, cây ra quả sai trĩu, quả to tròn, ngọt đậm và giòn… Ngay vụ bói quả đầu tiên, nhà chị Mây thu trên 7 tạ quả và bán 40.000 đồng/kg, thu gần 30 triệu đồng. Chị Mây phấn khởi: Hiện, 6 ha lê của gia đình tôi thu hơn 20 tấn quả/năm, khách hàng đến thu mua đều khen lê ngon, ngọt. Lê bán cho thương lái được chia làm 3 loại, loại 1 từ 3-4 quả/1 kg giá 50-60 nghìn đồng; loại 2 từ 5-6 quả/kg giá 30-40 nghìn đồng; còn loại 3 bán xô từ 20-25 nghìn đồng/kg, dự kiến cả vụ lê năm nay, gia đình tôi thu trên 800 triệu đồng.

Từ những kết quả khả quan ban đầu, xã Phiêng Khoài đã tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi diện tích cây ngắn ngày hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây lê; tổ chức cho nhiều hộ tham quan học tập mô hình trồng lê tại bản Cồn Huốt 1 để nhân rộng. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc lê. Lồng ghép các chương trình, dự án của Nhà nước hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình trồng cây lê. Năm 2019, từ Chương trình 135 của Chính phủ đã hỗ trợ tiền mua cây giống hỗ trợ cho các hộ nghèo trồng 30 ha lê Tai Nung, đến nay, toàn xã đã trồng mới 60 ha lê (11 ha đã cho thu hoạch) tập trung tại các bản: Cồn Huốt 1, Thanh Yên 1, Thanh Yên 2, Quỳnh Chung, Kim Chung 3.

Nhận thấy trồng lê Tai Nung cho hiệu quả kinh tế cao, năm 2019, anh Phan Đình Sơn, bản Thanh Yên 2 đã học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng thử nghiệm 1 ha. Anh Sơn chia sẻ: Thời gian đầu, cây lê chưa cho thu hoạch, tôi trồng xen lạc, đậu, đỗ để tăng thêm thu nhập. Năm nay, 1 ha lê bói quả, được hơn 1 tấn; gia đình tôi thu hoạch đến đâu, thương lái đến tận vườn mua với giá 50 nghìn đồng/kg, trừ chi phí còn lãi hơn 40 triệu đồng; hiện nay, gia đình tôi đã nhân rộng cây lê trồng kín 5 ha đất của gia đình.

Theo kinh nghiệm của những người trồng lê, để quả lê đạt chất lượng, năng suất cao, phải tuân thủ kỹ thuật chăm bón, tạo tán, tỉa quả. Lê là loại cây dễ trồng, ưa đất ẩm, từ khi đậu quả đến lúc thu hoạch phải bổ sung nước, nếu đủ nước thì quả to, da căng mỏng, vỏ màu vàng xanh bóng đẹp, nhiều nước, giòn, ngọt. Ngược lại, nếu thiếu nước trong thời kỳ phát triển thì quả sẽ bị héo và rụng. Bên cạnh đó, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khi quả bắt đầu 3 tuần tuổi, phải bọc trái để quả có mẫu mã đẹp, không bị nám hay thối rụng do bị ruồi vàng chích.

Lê Tai Nung là cây trồng duy trì thời gian cho quả gần 10 năm. Nếu chăm sóc tốt, năng suất bình quân mỗi năm một gốc thu khoảng 35-50 kg (3-4 tấn/ha, tính trung bình 40.000 đồng/kg, thu trên 150 triệu đồng/ha). Thời gian thu hoạch khoảng tháng 6 đến hết tháng 7 sẽ tiến hành đốn bỏ cành và thu dọn vườn để chuẩn bị đón vụ mới. Sau mỗi lần đốn cành phải tưới nước, bón phân đầy đủ để kích thích cây phát triển.

Ông Bùi Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài, cho biết: Mặc dù bước đầu đã có những tín hiệu khả quan, nhưng cây lê Tai Nung vẫn chủ yếu trồng tự phát, phân tán, nhỏ lẻ, nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Rất mong cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng lê cho người dân; quan tâm quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới