Không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, đến với Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, du khách còn được trải nghiệm văn hóa đặc sắc khi hóa thân là một người dân bản địa, mặc bộ trang phục dân tộc truyền thống, tham gia các hoạt động múa xòe, múa khèn, giã bánh dày, ném còn, nhảy sạp và thưởng thức những món ăn dân tộc của vùng đất nơi đây.
Mộc Châu, vùng đất sinh sống lâu đời của 12 dân tộc với nét đặc trung riêng về văn hóa, lễ hội, phong tục, phát huy những lợi thế đó, huyện đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách và góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho đồng bào các dân tộc.
Chị Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa, thông tin huyện Mộc Châu, cho biết: Chính những nét văn hóa đặc trưng, riêng biệt của các dân tộc đã tạo tiền đề quan trọng để Mộc Châu phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, loại hình du lịch này đã và đang hình thành tại nhiều bản của một số xã trên địa bàn huyện, như: Bản Áng, xã Đông Sang; bản Dọi, xã Tân Lập; bản Vặt, xã Mường Sang; bản Tà Số 1 và Tà Số 2, xã Chiềng Hắc... Tham gia loại hình du lịch này, du khách được sống trong không gian văn hóa truyền thống, trong nếp ăn, ở, sinh hoạt, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc, góp phần tạo điểm nhấn, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của Mộc Châu.
Nhắc đến du lịch cộng đồng, địa điểm đầu tiên phải kể đến là bản Áng, xã Đông Sang, tại đây du khách được trải nghiệm những nét đặc trưng, văn hóa truyền thống của người Thái, như: Nếp nhà sàn truyền thống, tham quan, giải trí thú vị tìm hiểu về lịch sử, ẩm thực, văn hóa và cuộc sống của người dân bản địa. Ấn tượng khi đến trải nghiệm du lịch cộng đồng tại bản Áng, xã Đông Sang, chị Nguyễn Thu Thủy, đến từ thành phố Hà Nội chia sẻ: Đến với bản Áng, tôi được được khám phá và trải nghiệm cuộc sống thực tế của đồng bào Thái; trải nghiệm nghề dệt truyền thống, thổ cẩm, đan lát; tham quan cảnh đẹp xung quanh bản với những đồi thông, vườn dâu tây, cánh đồng rau xanh mướt. Ấn tượng nhất là được trực tiếp tham gia chế biến món ăn với những gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc; giao lưu văn nghệ, tay nắm tay trong điệu xòe đoàn kết giúp chúng tôi như hòa mình vào không gian và con người nơi đây.
Rời bản Áng, xã Đông Sang, đến với bản Tà Số 1 và Tà Số 2 của xã Chiềng Hắc, du khách sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Bản Tà Số 1 và Tà Số 2 là nơi sinh sống của hơn 320 hộ đồng bào Mông. Cùng với khí hậu mát mẻ, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, du khách khi đến đây sẽ được trải nghiệm ở những ngôi nhà gỗ được dựng theo kiểu truyền thống, ẩn khuất trong những vườn đào, vườn mận. Thích thú với những trải nghiệm tại bản Tà Số, anh Nguyễn Văn Long, du khách đến từ thành phố Hải Phòng, cho biết: Đến với bản Tà Số, chúng tôi được tham gia sinh hoạt hàng ngày cùng gia đình chủ nhà, trải nghiệm giã bánh dày, cách làm khèn và múa khèn của đồng bào dân tộc Mông. Đặc biệt là được sống trong không gian rất yên bình và thơ mộng. Chúng tôi rất ấn tượng và thú vị với những trải nghiệm này và sẽ tiếp tục quay trở lại cùng bạn bè trong thời gian tới.
Phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, thời gian tới, huyện Mộc Châu tiếp tục tuyên truyền nhân dân bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng các điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Cùng với đó, duy trì tổ chức các hoạt động và sự kiện quảng bá du lịch, như: Tuần văn hóa du lịch huyện Mộc Châu vào dịp 2/9, lễ hội Hết Chá, Cầu mưa, ngày hội hái quả, giải Marathon đường mòn Việt Nam…, thu hút du khách đến với Mộc Châu tham gia trải nghiệm.
Việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc ở Mộc Châu đã và đang hỗ trợ ngành du lịch ngày càng phát triển, mang đến những sản phẩm, trải nghiệm du lịch độc đáo, ấn tượng cho du khách khi đến với cao nguyên Mộc Châu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!