Những nhạc cụ nâng bước nhịp xòe ở Yên Châu

Huyện Yên Châu được biết đến là mảnh đất của “chuối ngọt xoài thơm” với nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái. Trong đó, điệu xòe gắn bó mật thiết với phong tục, tập quán, đời sống văn hóa, là sợi dây kết nối cộng đồng. Để có hội xòe rộn rã, vui tươi, không thể thiếu khèn bè, trống, chiêng… Các loại nhạc cụ dân tộc được nhân dân trân trọng, gìn giữ và là linh hồn trong mọi hoạt động văn hóa tinh thần.

Nhạc cụ dân tộc trong vòng xòe đoàn kết của đồng bào Thái huyện Yên Châu.

Từ bao đời nay, những bộ trống, chiêng đã trở thành thanh âm quen thuộc, rộn ràng, khơi gợi tinh thần đoàn kết cộng đồng của dân tộc Thái ở Yên Châu. Để làm được một bộ trống chiêng phải mất từ 6 - 10 ngày, trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự kiên trì, tỷ mỉ, cộng thêm trình độ thẩm âm tốt của người thợ mới có thể cho ra sản phẩm có chất lượng âm thanh chuẩn, kiểu dáng đẹp và độ bền cao.

Ông Lò Văn Phòng, bản Búng, xã Chiềng Sàng có kinh nghiệm gần 30 năm chế tác trống, cặp chiêng và đôi chập chòe, phục vụ nhu cầu văn hóa văn nghệ ở trong huyện; nhiều cá nhân, tập thể ở trong, ngoài tỉnh cũng tìm đến đặt mua. Ông Phòng chia sẻ: Làm chiêng khó nhất là công đoạn gò mép, chỉnh tiếng, âm thanh, nếu không chuẩn thì tiếng không kêu, do vậy phải làm sao điều chỉnh cho cân đối để tiếng chiêng vọng. Riêng làm chiêng với chập chòe mất 3 ngày, làm trống nếu có sẵn nguyên liệu thì 1 ngày bưng được 1 quả trống.

Anh Lò Văn Cương, cán bộ văn hóa xã Chiềng Sàng, cho biết: Trống, chiêng được bà con dân tộc Thái duy trì và giữ gìn. Ở vòng xòe, trống, chiêng là nhạc cụ giữ nhịp và tạo không khí, tinh thần trong các bước chân; phối hợp với các nhạc cụ khác đem tới sự hài hòa của âm nhạc và điệu múa, mang theo khát vọng về sự phát triển và trường tồn của dân tộc. Hiện nay, 100% bản đồng bào Thái ở xã đều có ít nhất một bộ trống, chiêng được lưu giữ tại nhà văn hóa để phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Chúng tôi đang xây dựng nhà truyền thống tại trụ sở UBND xã trưng bày không gian văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, trong đó, có các nhạc cụ dân tộc.

Bên cạnh trống, chiêng, khèn bè là nhạc cụ mang tính biểu tượng của văn hóa dân tộc Thái ở Yên Châu. Khèn bè được làm từ cây nứa, bao gồm một tẩu thổi và 14 ống nứa chập thành 7 đôi, mỗi đôi có độ dài khác nhau và kết lại thành bè theo hình bậc thang. Nghệ nhân Lò Văn Hả, bản Pút, xã Chiềng Khoi cho hay: Đồng bào dân tộc Thái Yên Châu thường thổi khèn. Khèn thổi trong những dịp lễ, tết, mừng nhà mới, đám cưới, biểu diễn văn nghệ, sinh hoạt văn hóa cộng đồng... Lúc đông người, mang khèn ra thổi, người này hát, người kia đáp, hát giao duyên, hát đối với nhau rất vui nhộn. Với đồng bào Thái Yên Châu không thể thiếu được tiếng khèn trong câu hát, điệu xòe.

Những điệu múa mềm mại, uyển chuyển cộng hưởng với âm nhạc rộn ràng từ các loại nhạc cụ độc đáo, trang phục nhiều màu sắc, không gian mang đậm bản sắc của các bản người Thái khiến sinh hoạt xòe trở nên sinh động, hấp dẫn. Nếu có dịp tham gia trải nghiệm các lễ hội của đồng bào dân tộc Thái Yên Châu, sẽ khó có thể quên tiếng khèn, tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã và vòng xòe rộng mở mời gọi mời du khách gần xa đến với mảnh đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc này.

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới