Nét đẹp Lễ mừng cơm mới ở Nà Bai

Từ bao đời nay, cây lúa gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc Mường ở bản Nà Bai, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ. Chính vì vậy, lễ mừng cơm mới rất quan trọng và không thể thiếu mỗi mùa lúa chín với đồng bào nơi đây, trở thành nét đẹp văn hóa, được bảo tồn gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Giọng nữ
Nghi lễ mừng cơm mới tại bản Nà Bai, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ.

Thời điểm thu hoạch lúa chín là lúc bà con dân tộc Mường ở bản Nà Bai bắt đầu làm lễ mừng cơm mới. Lễ cúng được làm 1 lần vào mùa vụ đầu tiên trong năm. Dù được mùa hay mất mùa, bà con đều làm lễ. Bản Nà Bai có khoảng 160 ha lúa ruộng; khu vực đủ nước sản xuất thì bà con cấy được 2 vụ lúa trong năm, nhà trồng được cả lúa xuân sẽ làm lễ mừng cơm mới sớm, nhà chỉ trồng được một vụ lúa mùa thì làm lễ mừng cơm mới sau. Do vậy, lễ mừng cơm mới ở Nà Bai được các hộ tổ chức từ đầu tháng 6 âm lịch hằng năm và kéo dài tới tháng 8.

Trước đây, khi kinh tế khó khăn, mâm lễ cúng của bà con Mường ở Nà Bai chỉ có cháo, hoặc sang hơn là có cá suối, nhưng hiện nay, khi cuộc sống đủ đầy hơn, bà con chuẩn bị  mâm lễ có cháo, xôi, thịt, rượu, tiền vàng mã, cau trầu. Cháo cúng lễ phải được nấu từ gạo mới và phải có vị chua từ măng chua hoặc lá chua. Mỗi mâm lễ cúng sẽ có số lượng bát cháo khác nhau vì ngoài dành cúng thần linh, số bát cháo phụ thuộc vào số người đã khuất trong gia đình nội, ngoại. Số lượng mâm cúng của mỗi gia đình cũng tùy thuộc vào họ hàng bên nội, bên ngoại.

Đặc biệt, với nhà bố mẹ và con cả thường có thêm 1 mâm lễ cúng tổ tiên xa xưa được tượng trưng là đôi đũa cả đựng trong ống đũa treo ở nóc nhà. Với những gia đình con cái tách hộ, nếu hay đau ốm hoặc làm ăn, chăn nuôi không thuận lợi, cũng sẽ lập đôi đũa cả như vậy với tâm niệm cầu mong tổ tiên về phù hộ. 

Nghi lễ được thực hiện tại gian thờ tổ tiên và được thầy cúng am hiểu tục lệ trong bản làm lễ. Thầy cúng Đinh Văn Biên, bản Nà Bai, cho biết: Bài cúng lễ mừng cơm mới có nội dung chủ nhà tạ ơn trời đất, con cháu tỏ lòng biết ơn đối với công ơn khai hoang ruộng nước của tổ tiên, đồng thời cầu cho gia chủ mùa màng bội thu, ăn nên làm ra.

Thời gian của lễ cúng diễn ra lâu hay nhanh phụ thuộc vào địa điểm nơi người mất được chôn cất xa hay gần, một nơi hay nhiều nơi. Từng mâm lễ, thầy cúng đều khấn mời thần linh, người đã khuất về ăn cơm mới; thầy cúng sử dụng tiền xu để gieo đến khi cả hai đồng đều ngửa thì nghi lễ mới hoàn thành, nhiều khi phải khấn lại vài lần mỗi mâm lễ. Trong suốt quá trình làm lễ luôn phải thắp hương, có khi kéo dài cả tiếng đồng hồ.

Sau nghi lễ kết thúc, gia đình và khách mời cùng sum vầy bên mâm cơm, uống rượu, gửi tới nhau những lời chúc mừng tốt đẹp, mừng mùa vụ thắng lợi. Bên cạnh đó, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm chọn giống, gieo cấy, chăm sóc lúa để mong muốn mùa vụ mới bội thu.

Với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, yên bình và nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mường, bản Nà Bai những năm gần đây phát triển du lịch cộng đồng và ngày càng được nhiều du khách biết tới. Hiện nay, bản có 4 hộ kinh doanh homestay. Du khách đến bản Nà Bai đúng dịp sẽ được trải nghiệm mừng cơm mới, được thưởng thức những món ăn dân tộc với nguyên liệu tươi ngon sẵn có ở địa phương, ăn cơm mới với xôi bằng gạo nếp giống bản địa và cơm từ gạo tẻ mèo thơm, mềm dẻo, là giống lúa chủ yếu ở bản Nà Bai do bà con tự để giống.

Chủ nhà và khách mời sum vầy trong lễ mừng cơm mới.

Mời chúng tôi đến tham gia lễ mừng cơm mới, ông Đinh Văn Khuyên, bản Nà Bai, chia sẻ: Theo quan niệm của người Mường ở bản Nà Bai, sau khi làm lễ mừng cơm mới thì con cháu mới được ăn, được đem thóc đi bán. Nghi lễ cúng cơm mới vừa mang ý nghĩa tạ ơn thần linh, vừa là dịp gia đình tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên sau mùa vụ. Lễ mừng cơm mới ở bản Nà Bai đông vui, ăn to hơn tết cổ truyền. Mỗi dịp làm lễ mừng cơm mới, sẽ mời họ hàng, bạn bè đến chung vui.

Trải nghiệm lễ mừng cơm mới ở Nà Bai, chị Nguyễn Thị Diệu Thuần, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Quản lý điểm đến châu Á, chia sẻ: Tôi rất ấn tượng với bản sắc văn hóa của dân tộc Mường nơi đây. Lễ mừng cơm mới không khí vui vẻ, đầm ấm, đoàn kết, được thưởng thức ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc vùng cao. Bà con ở đây rất thân thiện, mến khách. Tôi mong rằng bản Na Bai luôn giữ gìn bản sắc văn hóa để thu hút du khách đến trải nghiệm du lịch cộng đồng.

Lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Mường ở Nà Bai mang nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn. Đồng thời, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tăng cường đoàn kết cộng đồng và trở thành nét văn hóa đặc sắc, thu hút du khách đến với bản du lịch cộng đồng Nà Bai.

Phạm Hoa (CTV)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới