Lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền huyện Mộc Châu

Đồng bào Dao Tiền tại huyện Mộc Châu hiện vẫn còn gìn giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó, có Lễ hội Púng Hiéng (Tết Hạ Niên). Đây là nghi lễ lớn nhất của người Dao Tiền, có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong tín ngưỡng của dân tộc, đề cao vai trò của trưởng dòng họ và giúp gắn kết các thành viên trong dòng tộc, cộng đồng.

Giọng nữ
Đồng bào Dao tiền chuẩn bị lễ hội Púng Hiéng.

Lễ hội Púng Hiéng được một số dòng họ người Dao Tiền duy trì theo hình thức truyền đời, tổ chức định kỳ 3-4 năm một lần, trong thời gian 4-6 ngày vào dịp Tết Nguyên đán. Lễ hội bắt nguồn từ câu chuyện “Ngày xưa, tổ tiên của những dòng họ Tặng, họ Bàn, họ Đặng, họ Lý, họ Triệu ở Mộc Châu rất giàu có, năm nào cũng có mùa màng bội thu, cuộc sống sung túc. Họ cho rằng, có được cuộc sống như vậy là được thiên nhiên ưu đãi, các vị thần phù hộ. Chính bởi vậy, họ luôn sẵn sàng giúp đỡ bà con xung quanh. Đến dịp tết thì tổ chức ăn tết và mời họ hàng, làng xóm đến chung vui, tạ ơn tổ tiên, thần linh và cầu cho năm mới làm ăn thêm thuận lợi”.

Nghi lễ cúng của Lễ hội Púng Hiéng 

Ông Lý Văn Chin, thầy cúng ở bản Suối Khem, xã Phiêng Luông, Mộc Châu, nói: Lễ hội Púng Hiéng cũng bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ tổ tiên, các đấng siêu nhiên của người Dao Tiền. Púng Hiéng với người Dao là “Tết lớn” được các dòng họ lớn trong bản thay phiên nhau tổ chức để tạ ơn tổ tiên, thần linh và cầu mùa, cầu phúc cho năm mới.

Mặc dù là nghi lễ của dòng họ nhưng Lễ hội Púng Hiéng lại dành cho cả bản nên có ý nghĩa cố kết cộng đồng cao và trở thành một lễ hội chung của bản, ai cũng có quyền và trách nhiệm tham gia để cầu lộc, cầu may cho gia đình mình. Tùy theo lịch của từng năm và điều kiện của từng dòng họ mà Lễ hội Púng Hiéng được tổ chức bắt đầu từ ngày 29 hoặc 28 Tết, kết thúc vào ngày mùng 2, 4 hoặc mùng 6 Tết. Trong suốt những ngày diễn ra lễ hội, người trong dòng họ, người trong và ngoài bản quy tụ về nhà trưởng dòng họ nhảy múa suốt ngày suốt đêm, tiếng trống, tiếng chiêng luôn rộn ràng, vang động cả một vùng.

Để tổ chức Púng Hiéng, người trong dòng họ sẽ cùng nhau góp gạo, rượu, thịt, cùng chuẩn bị và tổ chức lễ hội tươm tất, chu đáo với lễ vật chính, gồm: Bánh chưng, thịt khô, rượu, giấy cúng, tranh thờ, 6 cây tre tươi gắn quả bằng bột nếp (tượng trưng cho cây sấu cành lá xum xuê, thể hiện mong ước về sự sinh sôi, nảy nở, cuộc sống no ấm, đủ đầy), 6 cây mía (tượng trưng cho cây chò chỉ sừng sững giữa rừng xanh, thể hiện ước muốn về sức khỏe, nghị lực và ý chí vươn lên)... cùng nhiều lễ vật khác theo tín ngưỡng từng dòng họ.

Điệu múa chuông của người Dao Tiền trong lễ hội Púng Hiéng.

Púng Hiéng là lễ hội lớn nhất của người Dao Tiền với rất nhiều nghi lễ được tổ chức liên tục trong 4-6 ngày với tuần tự: Lễ khai niên, lễ chào mừng các đấng siêu nhiên về dự hội, lễ cúng xuất binh (để xua đuổi mọi tà ma, quỷ dữ, quét sạch mọi điều xấu xa ra khỏi nhà, tống tiễn một năm cũ với những điều rủi ro, không may mắn - tổ chức ngay trước phút giao thừa); lễ cúng thu binh (đón những điều tốt đẹp theo năm mới vào nhà - tổ chức ngay sáng sớm đầu tiên của năm mới), nghi lễ tạ ơn, nghi lễ cầu mùa và lễ cúng thu niên kết thúc lễ hội. Các nghi lễ được tổ chức bởi trưởng dòng họ và các thầy cúng giàu kinh nghiệm. Xuyên suốt các nghi lễ luôn phải có những người đàn ông, nam thanh thiếu niên đã được “cấp sắc” cùng thực hiện. Sau mỗi phần lễ là những phần hội được tổ chức mỗi đêm, già trẻ, nam nữ cùng nhau múa chuông, trống chiêng vang động, cùng ăn uống vui vẻ, chúc nhau năm mới nhiều may mắn.

 "Nhặt lộc" năm mới là hoạt động được nhiều người mong đợi tại Lễ hội.

Ông Bàn Văn Liềm, trưởng họ Bàn, bản Piềng Sàng, xã Phiêng Luông, nói thêm: Lễ hội Púng Hiéng ngày nay vẫn được các dòng họ duy trì tổ chức, tuy nhiên đã giảm bớt nhiều thủ tục để giảm chi phí. Bà con trong và ngoài bản mong chờ nhất khi đến dự Púng Hiéng là sau lễ kết thúc sẽ được nhặt lộc của lễ hội đem về. Đơn giản chỉ có những “quả sấu” được nặn bằng bột gạo nếp, những khúc mía, chiếc bánh nếp... nhưng mang ý nghĩa là lộc năm mới, mang đến may mắn, thuận lợi cho những ai nhặt được.

Bà Đinh Thị Hường, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mộc Châu, cho biết: Từ đầu năm 2024, huyện Mộc Châu đã chủ trì phối hợp với các chuyên gia tổ chức khảo sát, điền dã, nghiên cứu, khảo tả lễ hội và xây dựng kế hoạch tổ chức trình diễn tái hiện, bảo tồn lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền, nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn với phát triển du lịch một cách bền vững. Qua đó, định hướng cho cộng đồng gìn giữ bản sắc, phát triển văn hóa truyền thống theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, chuẩn bị cho việc lập hồ sơ khoa học để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Púng Hiéng cùng với các nghi lễ truyền thống đặc sắc (như: Lễ cấp sắc, đám cưới...) hay nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục là những di sản có giá trị lớn về văn hóa, giáo dục, lịch sử hình thành và phát triển ngàn đời của người Dao Tiền. Bảo tồn và phát huy bản sắc đúng hướng sẽ giúp khơi dậy niềm tự hào dân tộc, gìn giữ được giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống, phát triển thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách đến với Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.

Thảo Nguyên
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới