Gìn giữ và phát triển nghề truyền thống

Trên địa bàn huyện Sốp Cộp có 4 dân tộc thiểu số Mông, Khơ Mú, Thái, Lào cùng chung sống. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, các nghề truyền thống, với trình độ và quy mô khác nhau, phản ánh kỹ thuật sản xuất, tư duy thẩm mỹ và sự sáng tạo trong các sản phẩm thủ công phục vụ đời sống.

Giọng nữ
Phụ nữ xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, thêu hoa văn trên vải thổ cẩm truyền thống.

Ngoài các lễ hội độc đáo, dân ca, dân vũ, nhạc cụ đặc sắc, đồng bào dân tộc Lào trên địa bàn huyện có nghề dệt thổ cẩm và may trang phục truyền thống. Từ những khung cửi thô sơ làm bằng tre, gỗ, dưới bàn tay khéo léo của các bà, các chị, đã dệt nên những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc, hoa văn độc đáo.

Bà Lò Thị Ựm, bản Mường Và, chia sẻ: Nghề dệt thổ cẩm gắn bó với tôi hơn 40 năm nay. Từ nhỏ tôi được các bà, các mẹ chỉ cho cách dệt các mẫu đơn giản, từng bước thành thạo nghề. Theo truyền thống, trang phục của bà con dân tộc Lào được may bằng vải làm từ sợi bông, tơ tằm, sợi được nhuộm màu tự nhiên từ cây chàm, củ nâu, cây dương xỉ, củ nghệ vàng... với nhiều hoa văn, họa tiết. Để tạo một tấm thổ cẩm đẹp, đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mỉ và sáng tạo của người thợ dệt. Sản phẩm thổ cẩm của gia đình tôi được trưng bày và bán tại các cửa hàng lưu niệm tại các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Nội và một số tỉnh của nước bạn Lào.

Đồng bào dân tộc Mông ở Sốp Cộp có nghề rèn truyền thống. Hơn 20 năm gắn bó và có thu nhập ổn định từ nghề rèn truyền thống, ông Sùng Tráng Tủa, bản Pá Khoang, xã Mường Lèo, có thể rèn được nhiều loại nông cụ, nhất là dao. Ông Tủa cho biết: Với những bí quyết gia truyền, sản phẩm của gia đình có độ tinh xảo, sắc và bền, được khách hàng ưa chuộng. Hiện nay, mỗi tháng, lò rèn của gia đình tôi sản xuất từ 30-40 sản phẩm, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, với giá từ 250-400 nghìn đồng/sản phẩm, thu nhập trung bình từ 7-8 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, đồng bào Khơ Mú ở Sốp Cộp có nghề may thêu khăn piêu và trang phục truyền thống, nghề đan dụng cụ sinh hoạt bằng cây mây thủ công. Đồng bào dân tộc Thái có nghề đan lát các vật dụng bằng tre, như ép khảu, ghế ngồi, gùi... với độ tinh xảo và độc đáo, hướng tới nâng cao giá trị các sản phẩm thủ công.

Bà Tòng Thị Quyên, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện, cho biết: Để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống các dân tộc trên địa bàn, thời gian qua, huyện đã vận động, khuyến khích các cá nhân, HTX, tổ hợp tác đưa các sản phẩm thủ công của dân tộc trưng bày triển lãm trong và ngoài tỉnh, giúp các sản phẩm trở thành hàng hóa, mang lại thu nhập ổn định cho bà con và phục vụ du lịch nông thôn. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tuyên truyền nhân dân, nhất là thế hệ trẻ giữ gìn nghề truyền thống; vận động thành lập, nhân rộng các HTX phát triển nghề truyền thống.

Tuy nhiên, hiện nay, một số nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện có nguy cơ bị mai một, do việc truyền nghề chủ yếu theo kinh nghiệm của người đi trước dạy người sau. Đặc biệt là thiếu nguyên liệu, sản phẩm làm ra khó cạnh tranh được với các sản phẩm công nghiệp có mẫu mã đa dạng và giá cả phải chăng. Thu nhập từ nghề hạn chế, nên không khuyến khích được các thành phần kinh tế và người dân tham gia.

Để bảo tồn, lưu giữ nghề truyền thống, huyện Sốp Cộp tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức trưng bày, triển lãm, động viên, khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ; thúc đẩy hình thức du lịch cộng đồng, gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa, góp phần tạo thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới