Bồi đắp tình yêu di sản văn hóa cho thiếu nhi

Công tác giáo dục, tuyên truyền về bảo tồn di sản văn hóa dân tộc đã và đang được các cấp, ngành, đơn vị trường học tỉnh Sơn La quan tâm thực hiện. Các hoạt động giáo dục mang tính trải nghiệm là những giải pháp hiệu quả giúp bồi đắp tình yêu di sản cho thiếu nhi, giúp các em hiểu, trân trọng văn hóa truyền thống để có ý thức bảo tồn, gìn giữ giá trị nguồn cội của dân tộc.

Giọng nữ
Đồng bào dân tộc Mông coi trọng việc truyền dạy văn hóa truyền thống cho lớp trẻ.

Đa dạng phương thức tuyên truyền về bảo tồn di sản

Chương trình “Thiếu nhi với di sản” do Bảo tàng tỉnh tổ chức đầu tháng 7/2024 vừa qua thu hút trên 800 lượt thiếu nhi đến tham gia. Đây cũng là hoạt động thường niên được đơn vị tổ chức vào mỗi dịp hè hằng năm. Đến đây, các em thiếu nhi được hòa mình vào các hoạt động, như: Tham quan phòng trưng bày các hiện vật khảo cổ của Sơn La, sáng tác tranh ảnh, vẽ tranh với chủ đề “Thiếu nhi với bảo tàng”, tô màu trên sỏi, chơi các trò chơi dân gian, đào khủng long hóa thạch… Chương trình thực sự mang đến không gian bổ ích, vừa vui chơi kết hợp với tuyên truyền, giáo dục về di sản cho thiếu nhi. Các em không chỉ hào hứng với các hoạt động giải trí mà còn thích thú khi được tận mắt chiêm ngưỡng, tham quan các hiện vật khảo cổ có niên đại từ thời nguyên thủy được tìm thấy ở Sơn La, các hiện vật đại diện cho văn hóa dân tộc.

Lần thứ hai tham gia chương trình “Thiếu nhi với di sản”, em Đặng Thanh Tuấn, phường Quyết Thắng, Thành phố, hào hứng nói: Em rất thích tham gia các hoạt động tại chương trình. Đến đây, chúng em không chỉ được vui chơi, mà còn được tìm hiểu và biết thêm nhiều kiến thức hay về lịch sử, khảo cổ học.

Chương trình "Thiếu nhi với di sản" tại Bảo tàng tỉnh.

Đưa con đến tham gia chương trình, chị Mạc Thị Thanh Hà, tổ 5, phường Tô Hiệu, Thành phố, chia sẻ: Tôi thường đưa con đến tham gia các hoạt động do Bảo tàng tỉnh tổ chức, nhất là trong dịp hè và cuối tuần. Các hoạt động ở đây rất bổ ích, lý thú, tạo không gian vui chơi lành mạnh và kích thích sự sáng tạo, khả năng tìm hiểu của các bạn nhỏ. Đây thực sự là phương pháp thực tế và hiệu quả khi giáo dục cho các con về văn hóa – lịch sử Sơn La.

Cùng với chương trình “Thiếu nhi với di sản” tổ chức vào mỗi dịp hè, mỗi năm, Bảo tàng tỉnh tổ chức từ 2-3 hoạt động giáo dục trải nghiệm về văn hóa các dân tộc, phối hợp với các đơn vị trường học tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về nhân vật, sự kiện lịch sử, di sản văn hóa địa phương… Các hoạt động được tổ chức đa dạng về quy mô, hình thức phong phú, như: Chương trình “Hành trình di sản”, trải nghiệm văn hóa các dân tộc, thi “Rung chuông vàng”, trải nghiệm “Em yêu lịch sử”... Đây là dịp để thiếu nhi tiếp cận với việc tìm hiểu di sản văn hóa các dân tộc theo hướng trải nghiệm thực tế, được cảm nhận bằng mọi giác quan để hiểu sâu hơn về các loại hình di sản vật thể và phi vật thể gắn liền với quê hương Sơn La.

Phòng trưng bày hiện vật khảo cổ thu hút thiếu nhi.

Ông Nguyễn An Đại, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Đơn vị đã lựa chọn tổ chức các hoạt động giáo dục về lịch sử, văn hóa địa phương gắn với bảo tàng và Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. Những hoạt động này đã và đang cho thấy hiệu quả, tạo sức hút và lan tỏa đến thế hệ trẻ về giáo dục truyền thống cách mạng. Bảo tàng tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai các hoạt động giáo dục truyền thông theo hình thức đổi mới hơn, phù hợp với học sinh từng lứa tuổi, từng cấp học.

Giáo dục về di sản trong trường học

Công tác giáo dục về di sản văn hóa những năm gần đây được ngành Giáo dục và Đào tạo quan tâm triển khai đến các đơn vị trường học. Nội dung giáo dục về văn hóa – lịch sử được tích hợp trong bộ tài liệu giáo dục địa phương theo chương trình giáo dục phổ thông mới do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp biên soạn dùng cho cả 3 cấp học phổ thông, áp dụng từ năm học 2020-2021 đến nay. Đối với cấp tiểu học, tài liệu giáo dục địa phương hiện đã được triển khai giảng dạy cho lớp 1, 2, 3 và 4, đang hoàn thiện nội dung cho lớp 5 với thời lượng 35 tiết/năm. Riêng nội dung giáo dục về văn hóa – lịch sử chiếm khoảng 30% thời lượng của chương trình giáo dục địa phương ở mỗi cấp học.

Các nhà trường chú trọng hoạt động trải nghiệm giáo dục lịch sử - văn hóa địa phương cho thiếu nhi.

Ông Vũ Việt Hùng, Trưởng phòng Giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT, thông tin: Mỗi chủ đề trong tài liệu giáo dục địa phương được thiết kế theo từng bài học cụ thể, thông tin chính xác, khoa học, gần gũi, dễ hiểu, giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội, môi trường... trên địa bàn tỉnh. Trong đó, khái quát toàn bộ các kiến thức về văn hóa – lịch sử nổi bật của tỉnh, các di sản văn hóa tiêu biểu, cung cấp kiến thức thực tế gắn liền với địa phương cho các em học sinh.

Cùng với việc triển khai giảng dạy trên lớp, các nhà trường tăng cường các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, tham quan thực tế, giới thiệu về văn hóa địa phương cho các em học sinh. Năm 2022 và 2023, thực hiện việc tuyên truyền về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp tổ chức hoạt động phục dựng trích đoạn lễ cúng dòng họ, giới thiệu nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của dân tộc Mông tại các trường học thuộc huyện Bắc Yên; tổ chức ngoại khóa về lễ Pang A của dân tộc La Ha cho học sinh trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai. Các hoạt động này mang đến không gian trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn, góp phần bồi đắp thêm kiến thức về văn hóa cho các em thiếu nhi.

Thiếu nhi dân tộc tham gia hoạt động giới thiệu văn hóa truyền thống tại huyện Quỳnh Nhai

Bà Điêu Thị Nhất, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Huyện Quỳnh Nhai đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại cơ sở, khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm bảo tồn trong đồng bào các dân tộc, những người đang nắm giữ di sản. Tổ chức các hoạt động thu hút nghệ nhân tham gia để giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa. Sắp tới, huyện sẽ tiến hành khảo sát để thành lập các câu lạc bộ giữ gìn, bảo tồn văn hóa tại các bản với sự tham gia của các thành viên thuộc nhiều lứa tuổi, tạo cơ hội để các thế hệ có sự gắn kết và để các nghệ nhân lớn tuổi trao truyền văn hóa cho lớp trẻ.

Những cách thức giáo dục mới giúp các em thiếu nhi tiếp cận với việc tìm hiểu về di sản văn hóa của địa phương theo hướng hiệu quả thực chất, kiến thức được bồi đắp từ thực tế và thấm sâu trong tâm trí của các bạn nhỏ đang lứa tuổi ưa tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh. Ý thức về việc coi trọng di sản văn hóa và trách nhiệm bảo tồn giá trị truyền thống sẽ được bồi đắp, hình thành từ đó, để thế hệ trẻ hôm nay tiếp nối quá khứ, gìn giữ những di sản vô giá cho mai sau.

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới