Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Những năm qua, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, các cấp, các ngành, lực lượng chức năng và các địa phương trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, kiểm tra, kiểm soát, bình ổn thị trường hàng hóa, dịch vụ.

Giọng nữ
Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn huyện Mường La.

Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm

Trên thực tế, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm quyền lợi người tiêu dùng đang diễn biến phức tạp. Các mặt hàng bị làm giả, làm nhái rất đa dạng và khó phát hiện, nhất là trên các sàn thương mại điện tử, hình ảnh và thông tin sản phẩm sử dụng để quảng cáo là thật, nhưng sản phẩm giao đến tay người tiêu dùng lại không đúng. Hậu quả là nhiều cá nhân, người tiêu dùng mua phải sản phẩm, dịch vụ hàng hóa bị lỗi; làm giảm niềm tin, ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.

Từ năm 2019 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 11.094 vụ, xử lý 6.914 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 23 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy gần 6,5 tỷ đồng. Trong lĩnh vực đo lường, chất lượng, đã thanh tra, kiểm tra gần 800 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, xăng dầu, vàng, trang sức mỹ ký, điện, thiết bị điện tử, tổng số tiền xử phạt trên 789 triệu đồng. Lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế thanh tra, kiểm tra 20 cuộc đối với 723 cơ sở, tổng số tiền xử phạt hơn 340 triệu đồng. Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức 62 cuộc kiểm tra, hậu kiểm đối với 1.096 cơ sở, tổng số tiền phạt là 28 triệu đồng.

Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT đã thanh tra, kiểm tra về chất lượng vật tư nông nghiệp và điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản đối với 389 cơ sở sản xuất, kinh doanh, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính tổng số tiền xử phạt nộp ngân sách nhà nước 235 triệu đồng. Đồng thời, đã chỉ đạo lấy 505 mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, trong đó có 31 mẫu có kết quả kiểm nghiệm mẫu không đạt, đã yêu cầu truy xuất nguồn gốc, thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn, điều tra nguyên nhân và thực hiện hành động khắc phục theo quy định.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra ATTP tại Trung tâm thương mại Vincom Plaza Sơn La.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an 12 huyện, thành phố nắm tình hình, rà soát, tăng cường quản lý các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, ngành hàng trọng điểm, chủ động phát hiện phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Đại tá Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: Trong 5 năm qua, lực lượng công an toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý hơn 2.500 việc vi phạm, với hơn 2.500 tổ chức, cá nhân về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, khoáng sản, quản lý bảo vệ rừng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm, số tiền sai phạm khoảng 24 tỷ đồng, tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 15 tỷ đồng.

Cùng với thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người tiêu dùng, nhất là đối tượng người tiêu dùng là trẻ em, người già, phụ nữ, người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa được đổi mới nội dung, hình thức.

Tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3) hằng năm; công khai, minh bạch và thông tin rộng rãi, đầy đủ đến người tiêu dùng về tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và cảnh báo những nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng.

5 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức gần 50 lớp tập huấn, kiến thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, văn minh thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ cho trên 4.000 học viên; tổ chức 17 chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn phân biệt hàng giả cho người dân, trong đó tập trung vào các khu vực vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vận động 13.725 cơ sở sản xuất kinh doanh toàn tỉnh thực cam kết chấp hành các quy định pháp luật trong kinh doanh.

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm thuốc.

 Trách nhiệm của các bên liên quan trong chuỗi cung ứng

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 (thay thế cho Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010), quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, của cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật cũng đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung các hình thức giao dịch mới, như: Livestream, thương mại điện tử xuyên biên giới... Trách nhiệm của các bên liên quan trong chuỗi cung ứng, bao gồm nhà sản xuất, nhà phân phối, sàn thương mại điện tử, người bán hàng... được xác định cụ thể, giúp xử lý vi phạm cụ thể hơn.

Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Triển khai thi hành Luật, Sở đã phối hợp với Ủy ban cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương tổ chức phổ biến, quán triệt thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và các văn bản thi hành cho gần 150 đại biểu làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sở đang in ấn, phát hành 3.500 cuốn “Cẩm nang những điều cần biết về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” để cấp phát cho người hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Thuận Châu, giúp chị em tiếp cận và tìm hiểu đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Người tiêu dùng mua sắm tại Trung tâm thương mại Vincom Plaza Sơn La.

Ngoài ra, trước thực trạng gian lận trong thương mại điện tử khó kiểm soát, nhất là việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước những chiêu trò gian lận thương mại khi mua hàng qua mạng. Ông Nguyễn Viết Thông, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, thông tin: Đơn vị đang thực hiện các biện pháp phát hiện, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa nhập lậu, không bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành và công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đảm bảo có trọng tâm, hiệu lực, hiệu quả.

Trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, thông tin truyền thông và hội nhập kinh tế ngày càng mạnh mẽ, người tiêu dùng có thêm nhiều cơ hội để tìm hiểu, lựa chọn sản phẩm trên các nền tảng thương mại, đặc biệt là nền tảng thương mại điện tử.

Tuy nhiên, đi kèm với đó là phải đối mặt với nguy cơ bị rò rỉ thông tin, lợi dụng thông tin để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, mua phải hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Do đó, bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc quản lý, phát hiện và xử lý sai phạm; người tiêu dùng cần tỉnh táo, thông thái hơn trong đánh giá và lựa chọn sản phẩm; nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của mình trong các giao dịch thương mại.

Bài, ảnh: Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới