Yên Châu phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa

Khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa, là cách làm của huyện Yên Châu trong những năm gần đây. Nhiều hộ đã mở rộng chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại, gia trại, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, hạn chế rủi ro do dịch bệnh mà còn góp phần thúc đẩy chăn nuôi của huyện phát triển theo hướng bền vững.

Người dân xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, nuôi nhốt trâu vỗ béo.

Nhiều năm trước, gia đình ông Lò Văn Ó, bản Bó Phương, xã Yên Sơn, chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 2018, bằng nguồn vốn của gia đình và nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi trâu, bò vỗ béo. Chủ động nguồn thức ăn hằng ngày cho 15 con trâu, bò, gia đình ông trồng thêm 1,5 ha cỏ voi và tích thêm rơm rạ, ngọn mía để ủ lên men. Với kỹ thuật nuôi bài bản, khoa học, nên đàn trâu, bò lớn nhanh, cho năng suất thịt cao và bán được giá. Ông Ó chia sẻ: Năm vừa rồi gia đình bán được 8 con, bình quân mỗi con bán được từ 40-45 triệu đồng; trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi gần 200 triệu đồng. Từ khi chuyển sang nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo, tôi thấy hiệu quả kinh tế cao, dịch bệnh giảm hẳn và tận dụng được nguồn phụ phẩm để tái đầu tư.

Còn anh Ngô Quốc Khánh, bản Mai Ngập, xã Chiềng Sàng, chia sẻ: Gia đình tôi hiện đang nuôi vỗ béo nhốt chuồng 10 con bò 3B giống nhập ngoại. Việc quan trọng nhất trong nuôi bò vỗ béo là tìm được nguồn con giống chất lượng. Để đảm bảo nguồn thức ăn, tôi tận dụng những bãi đất trống xung quanh nhà để trồng cỏ, ngô, mía. Phát triển kinh tế theo mô hình này, gia đình thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm.

Giống bò 3B nhập ngoại được người dân xã Chiềng Sàng đưa vào chăn nuôi.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lường Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sàng, cho biết: Thời gian qua, xã tích cực khuyến khích các hộ dân mở rộng mô hình nuôi nhốt trâu, bò. Đồng thời, vận động các hộ chăn nuôi chuyển đổi 50 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn gia súc. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tăng cường hướng dẫn người dân xây dựng chuồng trại kiên cố; thường xuyên vệ sinh khu vực chăn nuôi, phòng chống các loại bệnh dịch. 

Theo thống kê, tổng đàn trâu, bò của huyện Yên Châu hiện có trên 32.000 con, trong đó đàn trâu 7.000 con, đàn bò hơn 25.000 con. Mặc dù số lượng có giảm so với những năm trước nhưng phương thức chăn nuôi đã được cơ cấu lại theo hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi quy mô lớn, tập trung. Hiện, toàn huyện có 40 hộ dân, 7 tổ hợp tác, 4 hợp tác xã chăn nuôi trâu bò theo mô hình trang trại, tập trung chủ yếu ở các xã: Chiềng Pằn, Chiềng Hặc, Lóng Phiêng, Tú Nang, Yên Sơn... 

Để phát triển đàn trâu, bò theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện Yên Châu đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người chăn nuôi. Cùng với xây dựng các mô hình và thực hiện đầu tư, hỗ trợ người dân phát triển đàn gia súc, huyện còn tạo điều kiện và khuyến khích người dân đưa con giống tốt, có giá trị kinh tế cao vào chăn nuôi; hướng dẫn người dân các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, cách tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn; phòng, chống dịch bệnh. 

Từ đầu năm đến nay, đã tiêm phòng hơn 11.000 liều vắc xin trị các bệnh cho trâu, bò; cấp gần 250 lít hóa chất tiêu độc khử trùng cho các xã để phòng dịch. Ngoài ra, huyện còn khuyến khích người dân tận dụng diện tích đất trống, chuyển đổi những diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ voi, ngô sinh khối làm thức ăn bổ sung cho gia súc. Hiện, toàn huyện đã triển khai trồng trên 365 ha cỏ voi và 250 ha ngô phục vụ chăn nuôi.

Các hộ dân xã Chiềng On, huyện Yên Châu thu hoạch cỏ voi phục vụ chăn nuôi.

Ông Lại Hữu Hưng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu, cho biết: Thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi đã thay đổi tư duy làm kinh tế, chủ động tái đầu tư phát triển theo hướng tập trung bền vững, giá bán gia súc thương phẩm hiện tăng từ 15 - 20% so với cùng kỳ năm trước. Thời gian tới, phòng tập trung định hướng các giống vật nuôi chủ lực cho từng địa phương để bà con chủ động nâng cao chất lượng, số lượng đàn gia súc; từng bước đưa chăn nuôi đại gia súc trở thành hướng phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới