Xuân về miền “chuối ngọt, xoài thơm”

Những ngày đầu xuân, chúng tôi về Yên Châu, vùng đất của “những cô gái Châu Yên bắn máy bay Mỹ”, không chỉ kiên cường, bất khuất trong kháng chiến chống Mỹ mà còn cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, chọn cây, gửi đất làm nên vùng quê “chuối ngọt, xoài thơm” nức lòng du khách.

                                       

Đại diện Hội Nông dân tỉnh và các huyện, thành phố ký kết bao trái cây phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu.

             

Nhớ lại thời điểm trước năm 2015, thu nhập chính của người dân huyện Yên Châu là từ ngô, lúa với diện tích có năm lên đến hơn 17.000 ha. Dẫu vậy, đất dốc, bạc màu, năng suất thấp, giá bấp bênh, khiến cho đời sống nông dân chưa thể thoát nghèo. Năm 2016, chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã mang đến một luồng gió mới, tạo nên sự thay đổi cho “bức tranh” nông nghiệp của tỉnh Sơn La nói chung và huyện Yên Châu nói riêng với những gam màu tươi sáng hơn.

             

Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Quá trình vận động chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng cây ăn quả được người dân đồng thuận cao. Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đã mạnh dạn ghép cải tạo lại vườn nhãn, vườn xoài bằng giống mới, đem lại giá trị kinh tế cao. Thấy hiệu quả, nhiều hộ dân khác đã học theo, tạo thành phong trào thi đua chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên địa bàn toàn huyện. Đến nay, Yên Châu có 10.545 ha cây ăn quả các loại, trong đó trên 7.000 ha cho thu hoạch, sản lượng gần 70.600 tấn, hình thành các vùng chuyên canh, từng bước tạo thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường.

             

Nhắc đến Yên Châu, ai cũng biết đến thương hiệu “Xoài tròn”. Giống xoài tròn của huyện Yên Châu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục nguồn gen cây trồng quý hiếm. Để bảo tồn, xây dựng thương hiệu và phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, từ năm 2017 đến nay, huyện Yên Châu phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai Đề tài “Bảo tồn và phát triển giống xoài tròn Yên Châu mang chỉ dẫn địa lý” tại 3 xã

             

Thành viên HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc (Yên Châu) bao trái cho xoài.

             

Chiềng Pằn, Viêng Lán, Sặp Vạt rà soát diện tích cây già cỗi để cải tạo, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Tuyển chọn 19 cây xoài đầu dòng trong vùng chỉ dẫn địa lý để tạo giống; tổ chức triển khai ghép cải tạo thay thế các giống xoài thoái hóa, già cỗi, nâng tổng diện tích xoài tròn của huyện đạt 500 ha, trong đó có 200 ha đang cho thu hoạch. Xoài tròn Yên Châu cũng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Xoài tròn Yên Châu”.

             

Yên Châu bây giờ có 2.889 ha xoài, sản lượng trên 20.000 tấn, với các giống như: xoài Đài Loan, xoài tròn, xoài hôi và một số loại xoài ghép. Năm 2021, đã có gần 3.300 tấn quả xoài được xuất khẩu và bán ra thị trường các nước; trên 17.000 tấn xoài được tiêu thụ tại thị trường trong nước. Ngoài ra, huyện còn có 785 ha chuối, sản lượng đạt trên 8.200 tấn/năm. Từ năm 2018, huyện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Công ty nghiên cứu tư vấn chuyển giao công nghệ và đầu tư CONCENTI triển khai Dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Chuối Yên Châu”. Đến năm 2020, Dự án hoàn thành, đã đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu chứng nhận “Chuối Yên Châu” cho 3 sản phẩm chính là: Chuối quả tươi, chuối sấy dẻo và chuối sấy giòn; khu vực địa lý được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận bao gồm 91 bản của 10 xã trong huyện; xây dựng quy định quản lý và sử dụng, quy định kiểm soát, hồ sơ trao quyền sử dụng và các quy trình quản lý và kiểm soát nhãn hiệu chứng nhận “Chuối Yên Châu”. Đồng thời, quảng bá, phát triển “Chuối Yên Châu” thông qua thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận theo chuỗi giá trị, sản phẩm chuối Yên Châu được đưa vào các cửa hàng nông sản sạch, như: An Fruit, Hello Green; các siêu thị ở Sơn La, Hà Nội, Đà Nẵng.

             

Mận hậu Yên Châu cũng đang tiếp tục hành trình xây dựng thương hiệu và trở thành một trong những cây trồng chủ lực của huyện. Việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và sản xuất mận theo hướng hữu cơ đã và đang được các HTX và người dân trồng mận trên địa bàn huyện từng bước nhân rộng. Qua đó, chất lượng, giá trị sản phẩm được nâng lên và được nhiều thị trường trong và ngoài nước lựa chọn. Năm 2021, toàn huyện đã tiêu thụ được trên 28.500 tấn mận.

             

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát, xã Phiêng Khoài, cho biết: HTX hiện có hơn 50 ha trồng cây ăn quả các loại, trong đó có 35 ha mận hậu, sản lượng 700 tấn quả. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, HTX đã chủ động tiêu thụ sản phẩm qua các sàn giao dịch điện tử, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo. Nhờ đó, sản phẩm được tiêu thụ hết, sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận thu về 5,5 tỷ đồng, bình quân mỗi thành viên thu hơn 320 triệu đồng.

             

Cùng với đó, Yên Châu còn có 2.476 ha nhãn, sản lượng hơn 21.000 tấn quả/năm. Trong đó nhiều nhất là tại xã Lóng Phiêng với hơn 700 ha nhãn, gần 500 ha cho thu hoạch với sản lượng 4.100 tấn/năm. Những năm gần đây, người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật rải vụ để tránh áp lực trong tiêu thụ, điển hình là việc ghép cành sang giống nhãn chín muộn gần 200 ha đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

             

Tiêu biểu như HTX Tiến Đạt, bản Yên Thi, xã Lóng Phiêng có 8 thành viên, trồng 24 ha nhãn chín muộn, sản lượng đạt 250 tấn/năm. Do khí hậu nơi đây mát hơn những nơi khác và các thành viên HTX đã ứng dụng kỹ thuật ghép cành sang giống nhãn chín muộn, bắt đầu cho thu hoạch từ giữa tháng 9, muộn hơn nhãn chính vụ khoảng 1 tháng. Vụ nhãn chín muộn vẫn giữ giá ổn định từ 15.000-16.000 đồng/kg, cao hơn 5.000 đồng/kg so với nhãn chính vụ. Chị Nguyễn Thị Nguyệt, thành viên HTX Tiến Đạt, phấn khởi nói: Gia đình tôi trồng 7 ha nhãn chín muộn, thu được 60 tấn quả, gia đình thu được gần 1 tỷ đồng.

             

Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện, chia sẻ thêm: Hiện tại, cùng với việc hỗ trợ người dân và các HTX mở rộng diện tích cây ăn quả sản xuất theo hướng hữu cơ và quy trình VietGAP, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính, huyện Yên Châu đang tăng cường hợp tác, thu hút, kêu gọi nhiều doanh nghiệp đến khảo sát, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, mở các nhà máy chế biến sản phẩm và ký kết để xây dựng các vùng nguyên liệu lại huyện, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản. 

             

Vùng đất “chuối ngọt, xoài thơm” nay đã có thể tự hào bởi có thêm nhiều loại quả có tiếng, như bưởi da xanh, nhãn, mận, bơ, chanh leo; các sản phẩm OCOP: Xoài sấy dẻo, chuối sấy giòn, chuối sấy dẻo, rượu chuối, tỏi đen Yên Châu và tinh bột nghệ được đánh giá xếp hạng 3 và 4 sao. Nhiều sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu “Yên Châu” đã khẳng định được vị thế trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao về chất lượng.

             

Những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các HTX và người dân đã tạo nên “bức tranh” cho ngành nông nghiệp huyện Yên Châu trong mùa xuân mới, giúp những người nông dân tiếp tục nâng cao thu nhập, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới