Xây dựng nông nghiệp bền vững, nông thôn phát triển

Ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT). Ngày 18/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 890/QĐ-TTg lấy ngày 14/11 hằng năm là Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, thu hái mận tại xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu.

77 năm qua, cùng với sự phát triển của ngành Nông nghiệp Việt Nam, ngành Nông nghiệp Sơn La đã không ngừng lớn mạnh, vượt qua nhiều thách thức, phát huy vai trò là trụ đỡ kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng, ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Phát huy tiềm năng lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi nông nghiệp từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, hướng đến phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị. Trong những năm qua, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, tăng diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp, giảm diện tích cây hàng năm kém hiệu quả, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Đặc biệt là phát triển trồng cây ăn quả trên đất dốc thay thế cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả.

Giai đoạn 2010-2021, diện tích cây ăn quả của tỉnh đã tăng thêm 48.700 ha, tăng bình quân 12,2%/năm; rau tăng thêm 6.800 ha, tăng bình quân 8,2%/năm; cà phê tăng thêm 10.700 ha, tăng bình quân 8,6%/năm. Ngược lại, một số cây trồng trên nương có giá trị gia tăng thấp, như lúa, ngô có xu hướng giảm nhanh, đặc biệt, 92.000 ha trồng ngô được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sơn La đã trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc, với tổng diện tích khoảng 82.000 ha, sản lượng trên 450.000 tấn/năm.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. 

Nhờ động lực từ quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, liên kết trong sản xuất đã được đẩy mạnh, hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp với cơ chế thị trường. Hiện nay, toàn tỉnh có 740 HTX nông nghiệp; trong đó, 184 HTX có tổ chức dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên, 86 HTX tham gia liên kết, 49 HTX sở hữu sản phẩm OCOP, gần 200 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Các HTX đã từng bước tiếp cận ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, xây dựng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp có triển vọng... Hình thành vùng nguyên liệu nông sản tập trung với khối lượng hàng hóa nông sản lớn, khai thác được tiềm năng lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn lực lao động nông thôn, như: Vùng nguyên liệu rau khoảng 11.000 ha, tập trung tại các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn; vùng nguyên liệu mía đường khoảng 8.500 ha; sắn khoảng 37.000 ha; chè 5.600 ha; cà phê 17.800 ha; vùng nguyên liệu cây ăn quả và cây sơn tra khoảng 78.000 ha.... Đây là tiền đề, là lợi thế cho phát triển công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh; khẳng định phát triển công nghiệp chế biến nông sản là lựa chọn đúng đắn để phát triển nông nghiệp xanh, sạch, bền vững.

Đến nay, toàn tỉnh có 17 nhà máy và 543 cơ sở chế biến nông sản, trong đó có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu. Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản tăng từ 3.450 tỷ đồng năm 2016, lên 5.400 tỷ đồng năm 2020, tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 12%/năm. Một số sản phẩm nông nghiệp được đưa vào chế biến đạt 100%, như sữa, cà phê, mía, đường, chè, sắn; sản lượng quả tươi đưa vào chế biến đạt 30%. Qua đó, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, nhằm thúc đẩy liên kết trong sản xuất tiêu thụ hàng hóa nông sản cho nông dân, góp phần hạn chế tối đa hiện tượng “được mùa mất giá” và ùn ứ nông sản do thiếu thị trường tiêu thụ. Chỉ tính riêng năm 2021, tổng sản lượng nông sản xuất khẩu của tỉnh đã đạt 85.745 tấn các loại; nông sản chế biến khác gần 68.000 tấn.

Lĩnh vực chăn nuôi được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng cải tạo giống và chuyển giao kỹ thuật, như: Ứng dụng công nghệ cấy chuyển phôi giống bò sữa thuần chủng tại Mộc Châu; duy trì và phát triển nhà máy chế biến thức ăn cho bò sữa TMR tại Mộc Châu, trang trại chăn nuôi bò sữa tại Mộc Châu, Vân Hồ; ứng dụng phát triển công nghệ chuồng kín, công nghệ tự động hóa toàn bộ, hoặc một số khâu trong chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp như chăn nuôi lợn giống, lợn siêu nạc ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được chú trọng đầu tư thông qua lồng ghép các chương trình, dự án, nguồn đóng góp của các tổ chức và nhân dân làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Hệ thống thủy lợi từng bước được kiên cố hóa, với gần 2.700 công trình thủy lợi, trong đó có 110 hồ chứa đang khai thác phục vụ sản xuất, đảm bảo nước tưới cho trên 30.000 ha cây trồng và nuôi thủy sản, tiêu thoát lũ khu vực nông thôn, đô thị. Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được quan tâm, đến năm 2022, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96,3%. Đến nay, toàn tỉnh có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Trải qua 77 năm xây dựng và phát triển, ngành Nông nghiệp và PTNT luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, cán bộ, công nhân viên, người lao động toàn ngành luôn nỗ lực cố gắng, cùng với sự cần cù, chịu khó, tinh thần dám nghĩ, dám làm của người nông dân, toàn ngành đã đạt được những kết quả quan trọng, giữ vững vai trò trụ đỡ kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới