Vân Hồ phát huy lợi thế nông nghiệp

Đón xuân mới, những người nông dân ở huyện Vân Hồ có thêm những thành quả trong sản xuất nông nghiệp khi áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra nhiều nông sản hàng hóa chất lượng cao, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập.

Toàn huyện Vân Hồ hiện có 14.700 ha đất sản xuất nông nghiệp, với lợi thế đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ là tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp của huyện. Trên cơ sở điều kiện thực tế của từng địa phương, huyện đã triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ưu tiên phát triển về cây ăn quả, rau, cây dược liệu, chè, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, lâm nghiệp...

Cán bộ khuyến nông xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả.

Ông Nguyễn Quang Huấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, cho biết: Huyện đã và đang khai thác tối đa lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới để phát triển nông nghiệp hàng hóa đa dạng về chủng loại sản phẩm; xây dựng các chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất nông nghiệp, lấy doanh nghiệp, HTX làm vai trò hạt nhân; phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ kịp thời các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế, tiềm năng.

Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự quyết tâm vươn lên để có cuộc sống tốt hơn của người dân, Vân Hồ đã có 4.143 ha cây ăn quả các loại, chủ yếu là cam, nhãn, xoài, bưởi, mận hậu, chuối, sản lượng bình quân đạt 8.820 tấn quả các loại/năm; 1.372 ha chè, sản lượng 9.300 tấn búp tươi/năm; 624 ha cây gai xanh, sản lượng 2.059 tấn/năm; 8.800 ha gieo trồng các loại cây lương thực có hạt với các loại giống mới, sản lượng trên 44.400 tấn. Đặc biệt, huyện đã có 6 sản phẩm OCOP, gồm 3 sản phẩm 3 sao và 3 sản phẩm 4 sao.

Chia sẻ việc đồng hành cùng người dân trong phát triển sản xuất, ông Thái Bá Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ, cho biết: Năm 2022, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển hoạt động của các HTX, trồng thử nghiệm các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao và phục tráng lại một số giống cây truyền thống của địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng các phương thức sản xuất hiện đại, quy trình sản xuất nông nghiệp, HTX thực hiện sản xuất hữu cơ, VietGAP và trồng trong nhà kính. Hiện nay, huyện có trên 20 ha trồng cam đường canh và quýt ngọt được sản xuất theo quy trình hữu cơ; xây dựng mới 12 nhà màng, nhà lưới với diện tích khoảng 4.000 m²; cùng 10 mô hình tưới nhỏ giọt mới được triển khai, nâng tổng diện tích ứng dụng công nghệ này đạt trên 40 ha.

Điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp bền vững của huyện Vân Hồ đó là phát triển cây ăn quả phục vụ nhà máy chế biến quả, nước hoa quả công nghệ cao của Tập đoàn TH; Nhà máy chế biến nông sản IC FOOD Sơn La và các nhà máy khác trên địa bàn. Trong năm 2022, đã cung cấp cho các nhà máy được gần 1.200 tấn rau, quả. Cùng với đó, mở rộng diện tích các sản phẩm nông sản chủ lực, như cam Chiềng Xuân, Suối Bàng; quýt Pà Puộc - Chiềng Yên; lúa tẻ râu - Song Khủa, rau an toàn Vân Hồ; chè Tô Múa, Chiềng Khoa, gắn với xây dựng thương hiệu, phát triển các chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản.

Ông Mùi Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Chiềng Xuân, phấn khởi nói: Tư duy sản xuất của người dân trong xã đã thay đổi rất nhiều theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững. Điều đó được minh chứng toàn xã hiện có khoảng 500 ha cây ăn quả các loại, thay thế cây ngô, lúa nương, cây sắn trên diện tích đất nương. Trung bình một năm, sản lượng quả đạt hơn 1.000 tấn, thu nhập ước tính khoảng 100 triệu đồng/ha. Hiện nay, chúng tôi đang vận động người dân trồng, chăm sóc cây ăn quả theo hướng VietGAP, sản xuất hữu cơ để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm.

Là một trong những đơn vị đầu tiên của huyện Vân Hồ triển khai mô hình trồng cam đường canh theo hướng hữu cơ. Sau 5 năm triển khai mô hình, HTX nông sản hữu cơ Pa Cốp, xã Vân Hồ đã thu hoạch năm thứ 4 với giá trị kinh tế cao. Ông Đỗ Hữu Hạnh chia sẻ: Năm 2018, tôi đã thành lập HTX và chuyển toàn bộ 3,5 ha trồng cam đường canh sang hướng sản xuất hữu cơ, vụ thu hoạch năm nay, dự kiến sản lượng sẽ đạt 12-15 tấn quả/ha, giá bán ổn định ở mức từ 40-45 nghìn đồng/kg. Năm 2022, chúng tôi đã nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ thêm 40 ha, dự kiến sẽ cho thu lứa quả đầu tiên vào năm 2024.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, huyện Vân Hồ đã “gặt hái” được nhiều thành công trong sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn huyện đã và đang hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, góp phần mang đến những mùa xuân no ấm cho người dân nơi cửa ngõ của tỉnh.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới