Từ tự cung, tự cấp đến sản xuất nông nghiệp xanh

Trong ký ức của những cán bộ ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La về những năm tháng trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh của “Hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn”, góp phần to lớn cùng cả dân tộc giành lại tự do, độc lập, thống nhất đất nước. Và hôm nay, Sơn La lại trở thành một “hiện tượng nông nghiệp” với những thành tựu đáng tự hào.

Khởi hành đoàn xe đưa xoài, nông sản Sơn La vào hệ thống phân phối và xuất khẩu năm 2022.                                   

 

Từ nền kinh tế khép kín sang kinh tế mở

Ở Sơn La, thời điểm sau giải phóng năm 1952, sản xuất nông nghiệp còn thấp kém, nhưng cũng đã huy động hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm chi viện cho chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên phủ.

Hòa bình được lập lại ở miền Bắc, phong trào thi đua sản xuất chi viện cho chiến trường miền Nam được phát động rộng khắp. Từ thực hiện tự túc lương thực tại chỗ, phong trào đưa giống mới vào sản xuất; mở rộng diện tích lúa chiêm; đưa ngô, mì đông trồng trên ruộng 1 vụ..., đã tăng sản lượng lương thực, thực phẩm, vừa chi viện cho miền Nam ruột thịt, vừa cải thiện đời sống nhân dân.

Đầu năm 1958, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường Lào, được lệnh của Quân ủy Trung ương, 1.700 cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 280, Sư đoàn 335, Trung đoàn 83 Quân tình nguyện Việt Nam đã về tập kết tại cao nguyên Mộc Châu. Ngày 8/4/1958, Trung đoàn 280 nhận được lệnh của cấp trên chuyển sang xây dựng Nông trường Quân đội, sau đổi thành Nông trường Quốc doanh Mộc Châu, làm tiền đề phát triển nông nghiệp tập trung với mô hình chăn nuôi bò sữa, vùng chè xanh...

Từ năm 1986, Sơn La cùng cả nước bước vào công cuộc đổi mới, vận dụng và cụ thể hóa hiệu quả Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về “Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”; thực hiện Khoán 100, rồi đến khoán 10 và tiếp đến Nghị quyết Trung ương Đảng 5 (khóa VII) về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn XHCN, đã tạo sức mạnh cho nông nghiệp nông thôn tỉnh ta phát triển không ngừng.

Sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở Sơn La chuyển từ kinh tế tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, từ nền kinh tế khép kín sang kinh tế mở; từ nền kinh tế 2 thành phần sang nền kinh tế nhiều thành phần. Đến nay, các nông, lâm trường quốc doanh đã được chuyển đổi thành các doanh nghiệp, như: Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu; Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu; Công ty cổ phần Chè Cờ Đỏ Mộc Châu.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La, cho biết: Kế thừa những thành tựu đã đạt được và phát huy tiềm năng lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình trồng cây ăn quả trên đất dốc, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; tập trung phát triển các loại nông sản, thủy sản và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao mang tính đặc trưng của địa phương; dần hình thành các vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển hơn 81.170 ha cây công nghiệp với sản lượng 621.286 tấn mía, 50.046 tấn chè búp tươi, 26.729 tấn cà phê nhân, 4.700 tấn cao su...; hơn 82.800 ha cây ăn quả gồm: Nhãn, xoài, mận, chuối, sơn tra, cây có múi... với sản lượng 392.122 tấn và hơn 129.400 ha cây lương thực có hạt như ngô, lúa... Chăn nuôi phát triển, toàn tỉnh có 1,3 triệu con gia súc, hơn 7 triệu con gia cầm các loại, sản lượng thịt hơi đạt 75.423 tấn, sản lượng sữa tươi đạt 96.100 tấn; nhiều mô hình nuôi thủy sản đặc sản có hiệu quả kinh tế cao với diện tích 2.769 ha và 8.830 lồng cá, sản lượng đạt 8.550 tấn.

Toàn tỉnh hiện có 740 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; 11 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; có 24 sản phẩm mang địa danh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; 83 sản phẩm OCOP; 220 khu vực cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; duy trì, phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn gồm: 32 chuỗi rau, 152 chuỗi quả, 11 chuỗi chè, cà phê, 28 chuỗi thủy sản an toàn...

Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân đã hình thành và được nhân rộng. Đây là tiền đề, lợi thế cho phát triển công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La; tiếp tục khẳng định phát triển công nghiệp chế biến nông sản là lựa chọn đúng đắn để xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghiệp chế biến nông sản

Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh hàng năm tăng trưởng khá và trở thành điểm sáng trong ngành công nghiệp của tỉnh. Tỉnh ta đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư các cơ sở chế biến nông sản, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh sản phẩm, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Đến nay, toàn tỉnh có 17 nhà máy và 543 cơ sở chế biến nông sản; trong đó, có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu; các nhà máy, cơ sở tập trung chế biến các sản phẩm sữa, đường, cà phê, chè, các sản phẩm từ các loại rau, củ, quả. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cơ bản được đưa vào chế biến 100% sản lượng, như: Sữa, cà phê, mía đường, chè, sắn; riêng sản phẩm quả hiện nay tỷ lệ đưa vào chế biến đạt gần 30% sản lượng quả tươi.

Công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp của Sơn La đang là trụ đỡ, bao tiêu sản phẩm đầu ra, đồng thời là tiền đề để phát triển nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho nông dân, góp phần giảm nghèo bền vững và giúp nông dân vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương; thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đóng góp vào thu ngân sách địa phương.

Đồi chè trên cao nguyên Mộc Châu.

Năm 2021, tổng giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu của tỉnh Sơn La sang thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ đạt hơn 160 triệu USD (tăng 43,66% so với năm 2020). UBND tỉnh Sơn La đã ban hành kế hoạch năm 2022, phấn đấu giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 174 triệu USD, tăng 7,94% so với năm 2021; trong đó, nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt 162,5 triệu USD, tăng 8,3% so với năm 2021. Tính hết 10 tháng năm 2022, giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu của tỉnh Sơn La đạt hơn 140 triệu USD, tăng 8,16% so với với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm xi măng, chè, cà phê, sản phẩm sắn, xoài, nhãn.

Mục tiêu lớn trên vùng Tây Bắc

Xác định rõ tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 21/1/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với 2 mục tiêu lớn là xây dựng tỉnh Sơn La trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc vào năm 2025.

Trong quá trình phát triển, tỉnh Sơn La đang tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác; tăng cường ứng dụng các quy trình sản xuất tốt, sản xuất an toàn, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản. Tiến hành rà soát, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp theo 3 cấp sản phẩm là sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm đặc sản địa phương - OCOP. Tiến hành tổ chức cấp mã số vùng trồng và triển khai có hiệu quả Luật Trồng trọt. Tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông sản tập trung đồng bộ với quy hoạch mạng lưới các nhà máy chế biến...

Trên chiến trường Tây Bắc năm xưa,  vùng đất Sơn La hôm nay đang thay da đổi thịt từng ngày. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc phát huy tinh thần cách mạng, khát vọng vươn lên, với mục tiêu thúc đẩy phát triển xanh, nhanh và bền vững. Sơn La tiếp tục khẳng định sản phẩm nông sản có uy tín, chất lượng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới