Trồng cây ăn quả ở Mường Giôn

Thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc, những năm qua, xã Mường Giôn (Quỳnh Nhai) đã tiến hành rà soát diện tích trồng cây nông nghiệp hiệu quả thấp để quy hoạch chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái.

 

Nông dân bản Cút, xã Mường Giôn (Quỳnh Nhai) phát triển cây ăn quả trên đất dốc.

 

Mường Giôn là xã thuần nông, địa hình chủ yếu là đồi núi, độ dốc lớn, những năm trước đây, người dân chủ yếu trồng ngô, sắn, tuy nhiên do đất bạc màu, xói mòn nên năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Khi chủ trương trồng cây ăn quả của tỉnh, huyện được triển khai đã mang một luồng gió mới làm thay đổi phương thức sản xuất của người dân, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thị trường tiêu thụ sản xuất. Ông Hà Văn Đại, Phó Chủ tịch UBND xã thông tin: Để cây ăn quả trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế, xã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, chuyển diện tích cây hằng năm kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như: Xoài, nhãn, bưởi...; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất. Từ năm 2016 đến nay, từ nguồn kinh phí của chương trình cải tạo vườn tạp, nhân dân trong xã đã được hỗ trợ trên 4.000 mắt ghép chất lượng cao và 3.000 cây giống các loại, với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng. Nhờ đó, diện tích cây ăn quả tăng từ 50 ha năm 2015 lên gần 200 ha; trong đó, gần 80ha đã cho thu hoạch, mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân. Đặc biệt, trên địa bàn có 1 HTX tham gia trồng cây ăn quả với diện tích gần 40 ha, điều này sẽ tạo điều kiện cho các hộ gia đình trong sản xuất và tiêu phụ sản phẩm.   

Qua tìm hiểu mô hình kết hợp nông, lâm nghiệp của gia đình bà Lò Thị Đội, bản Khóp, chúng tôi nhận thấy đây là mô hình phù hợp với thổ nhưỡng ở đây. Phần đất gần khe suối được gia đình bà Đội tận dụng để đào ao nuôi cá; diện tích đất đồi được gia đình trồng cây ăn quả xoài, nhãn và trồng rừng tùy theo độ dốc. Bà Đội, chia sẻ: Năm 2016, gia đình tôi đã ghép mắt gần 1 ha nhãn; chuyển hơn 1 ha ngô sang trồng xoài, măng ngọt và trám. Ngoài ra, tôi còn nuôi cá và 50 đàn ong. Hiện, toàn bộ diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu nhập gần 500 triệu đồng.

Tiếp tục tìm hiểu mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với trồng cỏ ghinê cho gia súc ở bản Cút. Đây là mô hình được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳnh Nhai triển khai năm 2017, có 8 hộ tham gia với diện tích hơn 3 ha. Trước đây, toàn bộ diện tích này bà con trồng ngô, sắn, nhiều chỗ còn bỏ hoang vì đất bạc màu, xói mòn. Việc trồng cỏ ghinê xen kẽ không chỉ tạo nguồn thức ăn cho đàn gia súc mà còn có tác dụng chống xói mòn và giữ độ ẩm cho đất. Trưởng bản Tòng Văn Bước thông tin: Hiện nay, nhân dân trong bản đang chăm sóc 23 ha cây ăn quả; trong đó có 3 ha cỏ ghinê trồng xen. Để mở rộng và nâng cao chất lượng cây ăn quả, nhân dân trong bản rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành về kỹ thuật, liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, góp phần nâng cao đời sống cho người dân...

Thời gian tới, Mường Giôn tiếp tục tập trung quy hoạch vùng trồng cây ăn quả phù hợp; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cải tạo vườn tạp; vận động thành lập HTX để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; phối hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn xây dựng mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình ứng dụng công nghệ cao... Phấn đấu, đến năm 2025 toàn xã có 400 ha cây ăn quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới