Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả đạt chuẩn vùng miền núi phía Bắc

Ngày 20/12, tại thành phố Sơn La, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNN, đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La và Hòa Bình tổ chức Hội nghị triển khai đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả đạt chuẩn vùng miền núi phía Bắc để phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

 Dự hội nghị có ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La, Hòa Bình; đại diện các huyện Mai Sơn, Sông Mã, Yên Châu, Mường La và một số HTX, doanh nghiệp sản xuất cây ăn quả trên địa bàn.

Toàn cảnh Hội nghị.

Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 được thực hiện trên địa bàn 46 huyện, thành phố ở 13 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang.

Tại 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình, Đề án được triển khai tại các huyện: Mai Châu, Lạc Sơn, Yên Thủy của tỉnh Hòa Bình và Mai Sơn, Mộc Châu, Sông Mã của tỉnh Sơn La với tổng diện tích khoảng 14.000 ha cây ăn quả (chanh leo, dứa, xoài) với gần 24.000 hộ được hưởng lợi. Thực hiện Đề án, tỉnh Sơn La và Hòa Bình được hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết vùng; tổ chức sản xuất và quản trị vùng nguyên liệu; phát triển khuyến nông cộng đồng và phát triển liên kết chuỗi giá trị. Đến nay,  2 tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì triển khai thực hiện các nội dung liên quan thuộc phần vốn do tỉnh bố trí thực hiện; các sở, ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi về nội dung, kế hoạch triển khai Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả tại 2 tỉnh Sơn La, Hòa Bình trong năm 2023-2024; việc tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa ngân hàng, doanh nghiệp, HTX và nông dân; huy động mọi nguồn lực đầu tư xã hội hóa từ hệ thống tín dụng, nông dân, doanh nghiệp, HTX để thực hiện hiệu quả Đề án...

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, khẳng định: Phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản đạt chuẩn, quy mô tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, hội nhập hiện nay. Thông qua việc xây dựng mô hình vùng nguyên liệu tiêu chuẩn sẽ thực hiện đồng bộ các chính sách của Nhà nước, nhất là chính sách về tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, quản lý chất lượng vùng trồng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị. Đề nghị 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh phát triển cây ăn quả theo quy mô tập trung, an toàn, bền vững, hiệu quả; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học thông qua liên kết sản xuất các doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX với hộ dân. Cục sẽ tham mưu với Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể, phân cấp rõ ràng các nhiệm vụ triển khai thực hiện Đề án cho các địa phương đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, tránh trùng lắp các nội dung thực hiện.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới