Thêm vùng nguyên liệu tập trung gắn với liên kết tiêu thụ

Mấy năm gần đây, gai xanh là một trong những cây trồng đang được nhân rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và thay đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, giảm nghèo cho người dân.

 

Nông dân xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ thu hoạch cây gai xanh.

Năm 2019, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hợp tác với Công ty TNHH đầu tư và sản xuất Vinaffi và HTX Gai xanh AP1 Sơn La (Mộc Châu) phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh tại Sơn La. Người dân liên kết trồng gai xanh được Công ty cung ứng cây giống AP1, phân bón bằng hình thức vay trả chậm và tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật về trồng, chăm sóc, thu hoạch, đồng thời ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh đã trồng hơn 800 ha cây gai xanh, tập trung chủ yếu ở các huyện: Vân Hồ, Sông Mã, Mộc Châu, Phù Yên. Nhiều hộ trồng cây gai xanh có thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với trồng lúa nương, sắn trên cùng diện tích đất canh tác mà không phải lo đầu ra cho sản phẩm.

Ông Dương Gia Định, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Gai xanh giống AP1 là cây công nghiệp, chủ yếu trồng lấy vỏ để sản xuất thành nguyên liệu sợi phục vụ ngành công nghiệp dệt may. Với kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch tương đối đơn giản, dễ thực hiện, mức đầu tư ban đầu phù hợp với khả năng kinh tế của đa số hộ nông dân và cho lợi nhuận kinh tế cao. Cây trồng một lần, nhưng thời gian khai thác từ 8-10 năm; thu hoạch 4-6 lứa/năm, năng suất 2-3 tấn vỏ gai khô/ha, giá vỏ khô đạt 40.000 đồng/kg, thu nhập bình quân từ 60-80 triệu đồng/ha/năm.

Sản phẩm vỏ gai khô được các đơn vị thu mua và cung cấp cho Nhà máy sợi dệt An Phước, Tập đoàn An Phước, tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, lá cây gai xanh được sử dụng làm thức ăn cho gia súc, hoặc nguyên liệu cho ngành công nghiệp thực phẩm và bào chế dược liệu; lõi gỗ từ cây gai xanh sau khi lấy vỏ có thể tận dụng làm giá thể để trồng nấm sò, hoặc ủ làm phân hữu cơ vi sinh.

Vân Hồ hiện là địa phương có diện tích trồng cây gai xanh nhiều nhất của tỉnh, với trên 300 ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Liên Hòa, Song Khủa, Quang Minh, Chiềng Yên, Chiềng Khoa, Mường Men và Xuân Nha. Việc phát triển cây gai xanh đã khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là việc chuyển đổi cây lương thực ngắn ngày trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh. Trong năm nay, huyện Vân Hồ đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng gai xanh theo hướng có lộ trình và quy hoạch, phấn đấu đạt trên 410 ha.

Đến xã Liên Hòa, nơi có diện tích trồng cây gai xanh lớn nhất của huyện Vân Hồ, một màu xanh mướt của cây gai xanh đã hiện diện trên các phiêng bãi, sườn đồi. Từ năm 2017, UBND xã đã phối hợp với Công ty Vinafi thuộc Công ty cổ phần đầu tư phát triển xuất nhập khẩu An Phước trồng thí điểm trên 5 ha cây gai xanh với 9 hộ tham gia. Năm đầu tiên trồng thử nghiệm qua 4 lứa thu hoạch đạt 3,2 tấn/ha, cho thu nhập 128 triệu đồng/ha. Hiệu quả từ mô hình, xã đã vận động các hộ dân trồng trước có kinh nghiệm hướng dẫn những hộ dân mới trồng, nhờ vậy diện tích trồng gai xanh ngày càng mở rộng. Ông Vì Văn Luyến, Chủ tịch UBND xã Liên Hòa, cho biết: Đến nay, xã đã trồng hơn 150 ha cây gai xanh, thành lập 4 nhóm liên kết trồng cây gai xanh, với 215 hộ tham gia, nhằm hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất cây gai xanh.

Nông dân xã Liên Hòa, huyện Vân Hồ thu hoạch cây gai xanh

Tạm dừng chiếc máy tuốt vỏ gai xanh, anh Lường Văn Thơm ở bản Nôn, xã Liên Hòa chia sẻ: Năm 2020, gia đình tôi đã chuyển đổi 4.000 m² đất trồng các loại cây lương thực ngắn ngày sang trồng gai xanh và được Công ty hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm; cây trồng không đòi hỏi kỹ thuật cao và cũng không tốn nhiều công chăm sóc. Người trồng chỉ cần theo dõi mức độ phát triển ổn định của cây trong khoảng thời gian từ 3-4 tháng trước khi cây cho thu hoạch. Trung bình thu hơn 1,2 tấn sợi/năm, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định hơn trước.

Cũng như ở Vân Hồ, với mục tiêu gia tăng giá trị canh tác, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2021, cây gai xanh được đưa vào trồng tại các xã: Huy Bắc, Mường Do, Kim Bon, Suối Bau huyện Phù Yên. Bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Yên, cho biết: Qua đánh giá cho thấy chất lượng gai xanh trồng ở Phù Yên có độ bền và độ dai của sợi tốt. Hiện toàn huyện có hơn 150 ha cây gai xanh, những diện tích trồng đầu tiên đã cho thu hoạch 3 vụ, năng suất trung bình đạt 300-400 kg vỏ cây khô/ha; hứa hẹn là loại cây trồng giúp nhiều hộ nông dân ở Phù Yên có thu nhập ổn định và nâng cao mức sống.

Việc chuyển đổi các loại cây trồng trên đất nương kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh theo hướng liên kết sản xuất ở các địa phương trong tỉnh đang khai thác tối đa diện tích canh tác, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, là hướng đi phù hợp, giúp nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.

Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới