Thêm nguồn lực để cải tạo giống đại gia súc

Đội ngũ nhân viên thú y cơ sở được cử đi đào tạo kỹ thuật thụ tinh nhân tạo để hành nghề tại các địa phương và trực tiếp tham gia vào các chương trình, đề án cải tạo đàn gia súc do Nhà nước triển khai. Sau khi các dự án kết thúc, họ chuyển sang làm dịch vụ, vừa đem lại nguồn thu nhập cho gia đình, vừa góp phần tích cực trong việc cải thiện tầm vóc, thể trạng và nâng cao chất lượng đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh.

 

Đàn bò của gia đình ông Hà Đình Hiếu, tiểu khu Bình Minh, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn.

 

Anh Quàng Văn Trân, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu là một trong những dẫn tinh viên hành nghề trên địa bàn huyện Thuận Châu. Anh Trân, cho biết: Năm 2012 sau khi hoàn thành lớp đào tạo, tập huấn dẫn tinh viên, tôi được cấp chứng chỉ hành nghề. 10 năm qua, tôi đã phối hợp với cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai các chương trình, đề án cải tạo đàn gia súc do Nhà nước hỗ trợ, cung cấp dịch vụ thụ tinh nhân tạo, tư vấn, khám sức khỏe sinh sản và điều trị bệnh ở đại gia súc khi có khách hàng yêu cầu.

Còn bà Nguyễn Thị Thơ, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn đã có 15 năm hành nghề dẫn tinh viên. Hiện bà Thơ là một trong số ít cán bộ thú y trên địa bàn huyện vẫn duy trì hành nghề dẫn tinh viên, dù không còn các dự án hỗ trợ cải tạo giống bò địa phương bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Để hành nghề, bà Thơ đã đầu tư 30 triệu đồng mua thiết bị, dụng cụ cơ bản để hành nghề. Bà Thơ vừa làm dịch vụ thụ tinh nhân tạo vừa khám sức khỏe cho bò sinh sản và điều trị bệnh cho trâu, bò. Bà Nguyễn Thị Thơ, chia sẻ: Trước đây, trâu, bò chủ yếu được phối giống bằng phương pháp truyền thống, nhiều khi xảy ra tình trạng cận huyết, bê con sinh ra thấp, bé, nhiều bệnh, ảnh hưởng chất lượng vật nuôi. Hiện nay, các hộ chăn nuôi đã thay đổi tư duy, biết áp dụng biện pháp thụ tinh nhân tạo trong lai tạo giống trâu, bò, cải thiện tầm vóc, nâng cao năng suất, chất lượng đàn gia súc theo định hướng phát triển phù hợp.

Còn gia đình ông Hà Đình Hiếu, tiểu khu Bình Minh, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, thường xuyên duy trì đàn bò hơn 10 con. Trước đây, gia đình chưa biết kỹ thuật, chủ yếu để bò sinh sản tự nhiên, bê con sinh ra còi cọc, chậm lớn, tầm vóc nhỏ bé, mỗi con bê chỉ bán được giá vài triệu đồng. Ông Hiếu chia sẻ: Khoảng 5 năm trở lại đây, được tuyên truyền, hướng dẫn của dự án cải tạo đàn gia súc do Nhà nước hỗ trợ, gia đình đã ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò. Nhờ đó, những con bê lai sinh ra có thể trạng to khỏe hơn bò địa phương, giá bán cao gấp 2-3 lần so với bê giống địa phương, góp phần nâng cao thu nhập từ chăn nuôi cho gia đình.  

Từ năm 2010 đến nay, tỉnh ta đã quan tâm chỉ đạo nghiên cứu các đề tài về cải tạo đàn gia súc theo hướng lai chuyên thịt; xây dựng và ban hành các đề án  phát triển chăn nuôi đại gia súc, chương trình truyền giống nhân tạo; ban hành các chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc, như: Hỗ trợ về giống, cơ chế vay vốn phát triển chăn nuôi; đào tạo, tập huấn đội ngũ dẫn tinh viên... Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã cung ứng khoảng 1.670 liều tinh bò; 1.644 lít Nitơ lỏng bảo quản tinh; 1.555 ống ghen và 1.555 găng tay theo chương trình truyền giống nhân tạo bò; trong đó, phối giống nhân tạo thành công cho 880 con bò cái. Bên cạnh đó, hàng năm, Trung tâm khuyến nông tỉnh xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực dẫn tinh viên. Hiện tại ở hầu hết các xã đều có cán bộ thú y được cấp chứng chỉ hành nghề dẫn tinh viên.

Công việc thầm lặng của đội ngũ dẫn tinh viên đã có những đóng góp vào thúc đẩy chăn nuôi đại gia súc ở địa phương phát triển. Tuy nhiên, số lượng đang hành nghề còn rất ít, có những huyện chỉ còn vài người, thậm chí chỉ còn 1 người hành nghề. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa quan tâm nhiều đến việc cải tạo giống đại gia súc, chi phí đầu tư làm dịch vụ dẫn tinh viên khá lớn, trong khi làm dịch vụ không đủ nuôi sống, nên nhiều dẫn tinh viên không mặn mà với nghề. Rất cần có chính sách khuyến khích cán bộ thú y cơ sở tiếp tục duy trì nghề dẫn tinh viên; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho người chăn nuôi, góp phần thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi hiệu quả, bền vững.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới