Tái canh - tạo vùng cà phê chất lượng cao

Cà phê là cây trồng chủ lực chiếm 46% tổng giá trị các loại cây trồng trên địa bàn Thành phố Sơn La. Hiện nay, Thành phố đang thực hiện tái canh diện tích cây cà phê già cỗi bằng những giống cà phê đặc sản, chất lượng cao.

Hiệu quả mô hình tái canh cà phê

Trước thực trạng nhiều diện tích cà phê trồng từ những năm 1990 đến nay đã già cỗi, cộng với việc thâm canh sản xuất chưa đúng kỹ thuật ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cà phê. Từ năm 2018 đến nay, một số giống cà phê mới chất lượng cao như: THA1, TN1, TN6, TN7, TN9, TN10 đã được đưa vào trồng thử nghiệm, thay thế diện tích cà phê già cỗi trên địa bàn thành phố.

Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra mô hình tái canh cà phê tại xã Chiềng Cọ.

Tại xã Chiềng Cọ, tháng 5/2020, gia đình bà Tòng Thị Thỏa được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông lâm nghiệp Tây Bắc hỗ trợ đốn tỉa 2.000 gốc cà phê già cỗi trồng từ năm 1996 để  ghép các giống THA1, TN1, TN7, TN9. Năm nay, là vụ thứ 2 vườn cà phê ghép tái canh cho thu hoạch. Bà Tòng Thị Thỏa phấn khởi: Cây cà phê ghép tái canh sinh trưởng, phát triển tốt, sau một năm ghép cho thu hoạch quả, năng suất tăng 20-25% so với giống cũ.

 

Vườn cà phê được ghép cải tạo bằng giống mới của gia đình bà Tòng Thị Thỏa, bản Hôm, xã Chiềng Cọ.

Thành phố đang có gần 5.000 ha cà phê, khoảng 4.520 ha cà phê kinh doanh, sản lượng quả tươi niên vụ 2022-2023 ước đạt trên 40.700 tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Một trong những nguyên nhân làm giảm sản lượng là do nhiều diện tích cà phê được trồng từ những năm 1990 đã già cỗi, quả nhỏ, năng suất thấp. Khắc phục tình trạng này, những mô hình tái canh được thí điểm triển khai đã cho kết quả khá tốt. Đến thời điểm này, Thành phố đã tái canh được 50 ha cà phê bằng giống mới, nhiều diện tích cà phê già cỗi đang được tập trung cải tạo trong những năm tới.

Lựa chọn phương thức tái canh phù hợp

Nâng cao chất lượng cà phê, Thành phố đã giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông lâm nghiệp Tây Bắc tổ chức các hội thảo đầu bờ tái canh cây cà phê để hướng dẫn các hộ cách cải tạo vườn cà phê già cỗi. Theo đó, có 2 phương thức tái canh cho diện tích cà phê già cỗi: Tái canh trồng thay thế bằng giống cà phê mới; tái canh bằng cách đốn tỉa để ghép.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Thành phố hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cà phê sau ghép cải tạo.

 

Ông Quàng Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố, thông tin: Chúng tôi rà soát, hướng dẫn các hộ thực hiện trồng thay thế bằng giống mới với những vườn cà phê trên 20 năm tuổi, sinh trưởng kém và năng suất bình quân nhiều năm liền dưới 1,2 tấn nhân/ha/năm; chăm sóc bón phân không hiệu quả, không thích hợp các biện pháp cưa đốn phục hồi và ghép cải tạo. Đối với vườn cà phê sinh trưởng bình thường, nhưng quả ít, nhỏ, không đồng đều có thể cưa đốn, ghép cải tạo bằng một số giống cà phê mới có năng suất, chất lượng cao hơn. Các giống cà phê chè, vật liệu nhân giống (cành ghép, mắt ghép) phải có nguồn gốc rõ ràng được lấy từ cây đầu dòng, như: giống cà phê Catimor, THA1, TN1, TN6, TN7, TN9, TN10…

Xây dựng chuyên canh cà phê đặc sản theo chuỗi liên kết

Xây dựng chuyên canh cà phê đặc sản theo chuỗi liên kết, ngày 10/10/2022, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kết luận số 1077-KL/TU về lãnh đạo phát triển cây cà phê trên địa bàn thành phố Sơn La.

Hướng dẫn kỹ thuật ghép tái canh cà phê.

Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Thành phố sẽ trồng tái canh 1.150 ha, ghép cải tạo 1.350 ha. Theo lộ trình, phấn đấu đến năm 2025, duy trì và phát triển ổn định diện tích cà phê hiện có; hằng năm dự kiến xuất khẩu 9.000 – 11.000 tấn cà phê nhân sang thị trường Đức, Mỹ, Brazil, Hà Lan và các nước khu vực Nam Mỹ; có khoảng 3.000 ha cà phê đạt sản lượng 6.000 - 6.500 tấn cà phê nhân được chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững phục vụ xuất khẩu; hằng năm xuất khẩu 9.000 - 11.000 tấn cà phê nhân sang thị trường Đức, Mỹ, Brazil, Hà Lan và các nước khu vực Nam Mỹ. Trong chế biến, phải bảo đảm tỷ lệ cà phê quả tươi tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật chế biến trên 90%, trong đó quy mô công nghiệp bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại đạt trên 70%, có đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La”; thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến cà phê tập trung tại cụm công nghiệp Hoàng Văn Thụ, không để ô nhiễm nguồn nước do sơ chế, chế biến cà phê gây ra…

Thành phố thành lập Ban Chỉ đạo phát triển cây cà phê để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, quy hoạch, tổ chức thực hiện Đề án tái canh cây cà phê theo Quyết định số 1178/QĐ-BNN-TT ngày 31/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, quy định của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; thành lập các tổ công tác, tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các biện pháp tái canh cây cà phê. Vận động, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về thâm canh cây cà phê, sử dụng phân hữu cơ thay thế phân bón vô cơ; vận động, hướng dẫn các hộ dân áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất... Đồng thời, phát triển hợp tác xã, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cà phê; hỗ trợ xây dựng các câu lạc bộ nông dân cùng sở thích, tổ liên kết sản xuất trong quy hoạch kiến thiết vườn cà phê, từng bước xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún, kém hiệu quả. Duy trì, phát triển chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La”; thực hiện tốt việc phát triển cà phê gắn với bảo vệ môi trường. Phấn đấu, 3 năm tới sẽ thực hiện tái canh xong toàn bộ diện tích cà phê già cỗi, nâng cao năng suất cây trồng.

 

Hướng dẫn sử dụng nguyên liệu giữ ẩm thay thế nước tưới cho cà phê.

 

Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của người dân, tin rằng thành phố Sơn La sẽ thúc đẩy phát triển cà phê theo chuỗi cung ứng nông nghiệp xanh, trở thành vùng chuyên canh cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ và cà phê có chứng nhận theo tiêu chuẩn xuất khẩu lớn của tỉnh.

 

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới