Rải vụ - điều tiết sản lượng nông sản

Khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”, thời gian qua, nhiều hộ dân, HTX trên địa bàn tỉnh đã áp dụng kỹ thuật rải vụ trên cây ăn quả. Kỹ thuật này sẽ giúp điều tiết sản lượng nông sản cung ứng thị trường tránh tình trạng cung vượt cầu và tư thương ép giá. Hơn thế, các loại quả trái vụ thường có giá cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với chính vụ. Vì vậy, việc tăng cường sản xuất rải vụ là một trong những giải pháp quan trọng làm giảm áp lực lên chính vụ, nâng cao tính cạnh tranh thương mại của các loại cây ăn quả, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.

 

 

Nông dân xã Hát Lót (Mai Sơn) áp dụng kỹ thuật rải vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Rải vụ là biện pháp chủ động xử lý, điều chỉnh cây ra quả lệch vụ - sớm hơn hoặc muộn hơn thời điểm thu hoạch bình thường, để tránh tình trạng thu hoạch tập trung trong một thời gian ngắn, với sản lượng lớn. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 71.000 ha cây ăn quả, hằng năm cung cấp ra thị trường hàng trăm nghìn tấn quả. Diện tích lớn, đa dạng các loại cây ăn quả, tuy nhiên, thời vụ thu hoạch lại tập trung trong thời gian ngắn khiến sức ép tiêu thụ căng thẳng. Để giải quyết cho bài toán này, bên cạnh các giải pháp thương mại về mở rộng và khơi thông thị trường, đầu tư cho chế biến sâu, bảo quản sau thu hoạch, việc nghiên cứu các giải pháp để rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch cho các loại cây ăn quả chủ lực đang là yêu cầu cấp bách.

 

Gia đình anh Nguyễn Bá Tuân, xã Hát Lót (Mai Sơn) có 5 ha trồng xoài, bưởi theo quy trình VietGAP. Với  kinh nghiệm trồng xoài nhiều năm và nắm bắt được quy luật ra hoa kết quả của loại cây trồng này, từ năm 2019, anh Tuân đã áp dụng kỹ thuật rải vụ cho gần 2 ha xoài. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn xoài trái vụ, anh Tuân giới thiệu: Qua quá trình canh tác, thấy quả ra trùng vụ, giá cả rất bấp bênh. Tôi tự đặt ra câu hỏi tại sao miền Nam họ làm rải vụ được mà mình không làm được nên từ lâu đã nung nấu ý định làm rải vụ. Năm 2019, khi được huyện cho đi học hỏi kinh nghiệm làm rải vụ ở các tỉnh miền Nam, tôi đã áp dụng ngay vào sản xuất và cho kết quả tốt.

 

Trong điều kiện tự nhiên của tỉnh ta, xoài ra hoa vào tháng 12, tháng 1 hằng năm, năm 2019, gia đình anh Tuân đã vận dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác và hóa chất để cây xoài ra hoa lệch so với vụ chính từ 2-3 tháng, kết quả thu được ngoài mong đợi, xoài trái vụ được thương lái thu mua với giá từ 40.000-50.000 đồng/kg, cao gấp 1,5 lần đến 2 lần so với xoài chính vụ. Hơn nữa, do điều khiển xoài chín vào tháng 9, tháng 10, không vào mùa mưa nên quả xoài có vị ngọt đặc trưng, được khách hàng ưa chuộng.

 

Không riêng gì xoài, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 200 ha cây ăn quả các loại như: xoài, nhãn, bưởi, cam... đang được áp dụng kỹ thuật rải vụ, lệch vụ cùng với sản xuất theo hướng an toàn. Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc HTX Ngọc Lan, chia sẻ: Một thực tế là mấy năm gần đây giá cả các loại sản phẩm quả của tỉnh lên xuống thất thường, khiến nhiều hộ dân thu nhập không ổn định, nhất là một số loại quả như thanh long, xoài, bưởi, chanh leo giá cả lên xuống bấp bênh do nông dân trong tỉnh ồ ạt mở rộng diện tích trồng không theo quy hoạch. Bên cạnh đó, các đơn vị xuất khẩu lại yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng đối với các sản phẩm quả của tỉnh. Xác định rõ những khó khăn đó, từ năm 2019, HTX Ngọc Lan cũng đã áp dụng kỹ thuật rải vụ trên cây bưởi da xanh. Bưởi thu hoạch chính vụ vào tháng 8, vào thời điểm này, sản lượng bưởi trên địa bàn tỉnh tương đối lớn, hơn nữa trái chín vào mùa mưa nên bưởi thường không ngon, bán bị mất giá. Điều khiển được bưởi cho ra quả bán trái vụ là điều rất có lợi cho người sản xuất, ví như hiện nay, bưởi chính vụ vừa mới đậu quả, nhưng hơn 1 ha bưởi trái vụ của HTX chúng tôi đang có quả xuất bán với giá 30.000 đồng/kg, sản phẩm có bao nhiêu thương lái dưới Hà Nội đăng ký thu mua hết.

 

Rải vụ trong sản xuất cây ăn quả là giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân, nhất là trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch COVID 19 tới thị trường tiêu thụ nông sản thì việc rải vụ được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, để phát triển một cách bền vững, các ngành chức năng và các địa phương cần phải có định hướng sản xuất, dựa trên cơ sở thị trường. Đồng thời, tiếp tục tập trung hướng dẫn, tập huấn nông dân trồng các loại cây ăn quả rải vụ, đảm bảo đủ tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng để cung ứng cho thị trường tiêu thụ trong nước và tham gia xuất khẩu.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới