Những “bác sỹ” của cây trồng

Thường xuyên theo dõi, chủ động dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh kịp thời, không để phát sinh thành dịch bệnh trên diện rộng; quản lý chuyên ngành về sản xuất trồng trọt, giống cây trồng... Những cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh được ví như những “bác sỹ” của cây trồng, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hướng dẫn người dân xã Chiềng Đen (Thành phố) kỹ thuật ghép cải tạo giống mận hậu.

Đến xã Nậm Lầu (Thuận Châu), chúng tôi được nghe bà con nhắc nhiều đến vai trò của cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh vừa phục tráng giống lúa bản địa quý hiếm của địa phương. Ông Lò Văn Dung, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Lúa nếp Chiến được người dân một số bản của xã duy trì, có giá trị kinh tế cao hơn một số giống lúa thuần khác; gạo nếp Chiến có vị thơm nhẹ và dẻo, ngon. Tuy nhiên, qua nhiều năm gieo trồng, giống lúa nếp Chiến ở địa phương đã bị thoái hóa, phân ly, lẫn tạp, chất lượng gạo và năng suất giảm nhiều. Với mục đích bảo tồn và phát triển giống nếp Chiến, vụ mùa năm 2021, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp triển khai mô hình phục tráng; hướng dẫn kỹ thuật cấy lúa thích ứng với khí hậu, chỉ dùng phân hữu cơ, sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, canh tác, điều tiết nước hợp lý theo giai đoạn sinh trưởng. Đến nay, giống lúa này đã được khôi phục cả về năng suất và chất lượng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.

Còn tại huyện Mai Sơn, nhờ được cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn kỹ thuật, nhiều nông dân xã Hát Lót đã triển khai mô hình xoài rải vụ mang lại hiệu quả cao. Anh Nguyễn Bá Tuân, HTX Thiên Tân, chia sẻ: Chúng tôi đã được hướng dẫn về kỹ thuật điều chỉnh cây ra quả lệch vụ - sớm hơn hoặc muộn hơn thời điểm thu hoạch bình thường, kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV. Do rải vụ nên khó sản xuất hơn chính vụ, dễ bị tác động thời tiết, sâu bệnh. Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thường xuyên cùng với chúng tôi theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của cây, điều tra sâu bệnh hại, căn cứ vào tình hình thực tế, hướng dẫn bón phân, phun thuốc hợp lý, hạn chế lạm dụng thuốc BVTV, không những giảm hẳn chi phí sản xuất, mà năng suất lại tăng lên đáng kể.

Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Trước mỗi vụ sản xuất, đơn vị đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành các văn bản hướng dẫn công tác sản xuất trồng trọt trên địa bàn; hướng dẫn cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng theo từng thời vụ; kế hoạch sản xuất; công tác phòng trừ sâu bệnh và kiểm dịch thực vật. Do vậy, trong năm qua, mặc dù diễn biến thời tiết, sâu bệnh hại khá phức tạp nhưng các cây trồng chính trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được năng suất và sản lượng ổn định.

Năm 2021, Chi cục đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra đồng ruộng; kịp thời phát hiện nhiều loại sinh vật gây hại trên cây trồng như: Bệnh thán thư cành, rệp sáp, sâu đục thân mình trắng, chùn ngọn, rệp vẩy trên cây cà phê; bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng, đốm sọc vi khuẩn, đạo ôn trên cây lúa; bệnh sâu keo mùa thu trên cây ngô...

Tổ chức 34 lớp tập huấn cho nông dân tại 12 huyện, thành phố về cách sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng; xử lý, tiêu hủy trên 20 tấn vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện quản lý, giám sát mã số vùng trồng, phát triển vùng nguyên liệu, tập huấn chuyển giao công nghệ cho người dân. Chi cục tăng cường kiểm tra, giám sát các mã số vùng trồng và các cơ sở đóng gói đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu, góp phần đảm bảo sản phẩm các loại rau, quả của tỉnh an toàn, giữ vững thương hiệu trên thị trường.

Chi cục còn chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, phối hợp triển khai dự án “Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp và nông lâm nghiệp tại vùng núi Tây Bắc” tại huyện Thuận Châu; Đề tài “Nghiên cứu biện pháp phòng, chống các loài sâu bệnh chính trên cây chanh leo theo hướng tổng hợp tại Sơn La”; Dự án “Nâng cao quyền năng kinh tế và vị thế của phụ nữ thông qua phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ gai xanh do phụ nữ làm chủ” tại Vân Hồ, Mộc Châu.

Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục thực hiện, tham mưu cho ngành nông nghiệp các giải pháp phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, tập trung điều tra, dự báo tình hình sinh vật hại cây trồng; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giống cây trồng, nâng cao nhận thức của nông dân; xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu các nhà máy chế biến...

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới