Nhân rộng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Hội Ngành nghề nông nghiệp, nông thôn huyện Quỳnh Nhai có 44 chi hội, hơn 3.700 hội viên. Những năm qua, Hội đã tập hợp hội viên, giúp đỡ nhau phát triển các mô hình kinh tế VAC, nuôi ong mật, nuôi thủy sản, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm cho lao động địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Nông dân xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai phát triển nghề nuôi cá lồng.

 

Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ; đưa giống cây trồng mới, vật nuôi có giá trị cao vào sản xuất; thành lập HTX, tổ hợp tác; hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho gần 1.000 lượt hội viên. Đến nay, toàn huyện có 47 HTX tham gia sản xuất hữu cơ, 17 HTX tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 22 HTX có sản phẩm tham gia chuỗi nông sản an toàn. Các mô hình kinh tế hiệu quả của Hội đang được duy trì và nhân rộng, như: như nuôi cá lồng, thủy cầm trên lòng hồ sông Đà ở các xã Chiềng Bằng, Chiềng Ơn, Mường Giàng; trồng cây công nghiệp ở Chiềng Khoang, Chiềng Bằng; chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa ở Chiềng Khay, Chiềng Khoang, Mường Giôn, Mường Sại...

Khai thác lợi thế lòng hồ thủy điện, Hội ngành nghề nông nghiệp, nông thôn xã đã tuyên truyền, vận động người dân tham gia, giải quyết bài toán về thiếu đất sản xuất nông nghiệp. Hội viên Lò Văn Khặn, bản Bung Én, đầu tư gần 100 triệu đồng làm 6 lồng cá từ năm 2012, đến nay, gia đình ông đã có 110 lồng cá. Ông cho biết: Tôi được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, nuôi thủy sản; hướng dẫn nuôi cá đạt tiêu chuẩn VietGAP, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Năm 2021, gia đình thu lãi gần 700 triệu đồng.

Từ hiệu quả từ mô hình nuôi cá lồng ở Chiềng Bằng, hội viên ở các xã dọc sông Đà đã tích cực đầu tư và mở rộng quy mô; đến nay, toàn huyện có 7.000 lồng cá, từ đầu năm đến nay, sản lượng nuôi và đánh bắt đạt 88 tấn.

Còn ở vùng cao Chiềng Khay, có lợi thế diện tích rừng tự nhiên lớn, khí hậu ôn hòa cùng nhiều loại hoa rừng phong phú, là điều kiện tốt để nuôi ong lấy mật. Hội Ngành nghề nông nghiệp, nông thôn xã đã phối hợp chuyển giao kỹ thuật để người dân nuôi và lấy mật tại vườn nhà. Anh Lò Mạnh Sáng, bản Có Luông, cho biết. Tôi được tập huấn, hướng dẫn cách chăm sóc, thu hoạch và bảo quản mật ong. Năm 2019, tôi vận động các hộ nuôi ong trong xã tham gia HTX Lò Mạnh Sáng. Đến nay, HTX có 500 đàn ong, trung bình thu hơn 1 tấn mật/năm; tạo việc làm cho 32 lao động, thu nhập từ 4-8 triệu đồng/người/tháng. Năm 2020, sản phẩm mật ong của HTX tham gia chương trình OCOP và đạt chứng nhận 3 sao cấp tỉnh. Thời gian tới, HTX tiếp tục đầu tư nuôi thêm 500 đàn ong.

Việc duy trì và phát triển đàn gia súc cũng được Hội quan tâm vận động hội viên phát triển cả về số lượng và chất lượng, theo hướng nuôi nhốt gắn với trồng cỏ để phòng tránh rủi ro. Hội còn tư vấn cho hội viên các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho vật nuôi. Đến nay, toàn huyện có 13.350 con trâu, 23.800 con bò và 24.540 con dê, đàn lợn trên 39.500 con. Nhiều hộ có thu nhập cao từ chăn nuôi, điển hình như các hộ: Ông Tẩn Văn Pặt, xã Chiềng Khay, thu nhập 400 triệu đồng/năm; Bạc Cầm Phiệng, xã Mường Giôn, thu nhập 200 triệu đồng/năm; Tòng Văn Tiếp, xã Chiềng Khoang, thu nhập 80 triệu đồng/năm; Lò Văn Phương, xã Mường Giàng, thu nhập 800 triệu đồng/năm...

Ông Hà Văn Khún, Phó Chủ tịch Hội Ngành nghề nông nghiệp, nông thôn huyện Quỳnh Nhai, thông tin: Năm 2022, Hội tiếp tục tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; khuyến khích nông dân tham gia vào câu lạc bộ ngành nghề; tập trung cải tạo vườn tạp; mở rộng các mô hình đặc sản, như nuôi ếch, ba ba, gia cầm sạch. Đồng thời, tranh thủ sự đầu tư của các chương trình, dự án để xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế điển hình, góp phần cải thiện đời sống của người dân, nhất là tại các điểm tái định cư thủy điện Sơn La.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới