Nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp

Về xã Mường Lầm - xã nông thôn mới thứ 3 của huyện Sông Mã, ấn tượng với những ngôi nhà sàn kiên cố mái ngói đỏ tươi; những con đường bê tông sạch đẹp trải dài đến từng bản, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại trao đổi hàng hóa.

Nông dân xã Mường Lầm, huyện Sông Mã thu hoạch bí xanh. Ảnh: Trần Hiền

Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã, ông Lò Văn Tới, Chủ tịch xã Mường Lầm, cho biết: Mường Lầm có 3 dân tộc, với 1.295 hộ sinh sống ở 8 bản. Những năm qua, xã đã triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp của tỉnh, của huyện; tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; tăng cường liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, xã có nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả và đang được nhân rộng, như: Trồng cây ăn quả ở các bản Phèn Sàng, Hịa, Nà Và, Mường Tợ; nuôi bò cái sinh sản tại bản Mường Nưa; trồng bí đao ở bản Mường Cang, Mường Tợ, Nà Và, Mường Nưa...

Cùng Chủ tịch xã Lò Văn Tới đi tham quan một số mô hình kinh tế ở các bản, điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng của gia đình ông Quàng Văn Soạn, bản Mường Nưa. Năm 2010, gia đình ông bắt tay vào phát triển kinh tế bằng việc đào ao nuôi cá và sản xuất cá giống; cải tạo vườn nhãn giống địa phương sang nhãn miền thiết; đầu tư làm chuồng trại nuôi lợn thịt và lợn nái. Ông Soạn phấn khởi: Hiện nay, gia đình tôi có gần 1 ha cây ăn quả; 8.000 m2 ao nuôi cá; duy trì 8 con lợn nái và hơn 15 con lợn thịt; kinh doanh hàng tạp hóa. Thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.

Cũng tại bản Mường Nưa, năm 2020, gia đình chị Lò Thị Nhung được hỗ trợ 23 con bò lai Sind, Batman (vốn đối ứng của gia đình là 70%) từ dự án chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 3 năm chăm sóc, đến nay, đàn bò đã phát triển lên 30 con; trung bình mỗi năm bán 10 con bò. Gia đình chị còn chăm sóc 2 ha cây nhãn và 1 ha xoài; làm dịch vụ máy xúc; trung bình mỗi năm thu nhập hơn 500 triệu đồng. Chị Nhung cho biết: Thời gian tới, gia đình tiếp tục đầu tư mô hình nuôi giun quế và đào ao nuôi cá. Rất mong các cấp, các ngành quan tâm chuyển giao kỹ thuật; liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản, giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất.

Với sự tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay, Mường Lầm có gần 400 ha nhãn, xoài, 45 ha quế;  400 ha cây lương thực có hạt. Trồng 30 ha cỏ voi phục vụ chăn nuôi. Có trên 77 nghìn con gia súc, gia cầm... Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 39 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 11,58%...

Kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên, nhân dân trong xã tích cực góp công, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, công trình thủy lợi... Đến nay, có 90% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số hộ được sử dụng điện; trên 90% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên; 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường; 82% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Với việc phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương, xã Mường Lầm đã và đang tạo những chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới