Mộc Châu - Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Mộc Châu được thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu mát mẻ quanh năm và thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển nông nghiệp. Khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhiều hộ dân, doanh nghiệp, HTX ở Mộc Châu đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Để trở thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 4/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Mộc Châu đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp, trở thành điểm đến của các nhà đầu tư đưa ứng dụng khoa học, công nghệ cao, tiên tiến vào sản xuất, góp phần để vùng cao nguyên này trở thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

Hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn

 

Những ngày giáp Tết, các thành viên của HTX nông nghiệp hữu cơ Đông Sang lại càng bận rộn hơn với việc thu hoạch các loại rau củ để xuất bán ra thị trường. Đáng chú ý là tất cả các diện tích canh tác của HTX đều sử dụng công nghệ tưới phun mưa, nhỏ giọt cho các loại cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.  Anh Vì Văn Tùng, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Đông Sang, cho biết: HTX hiện có 11 thành viên, canh tác trên diện tích 7,5 ha, trồng các loại bắp cải, cà chua, su hào, cải thảo, dâu tây... Trung bình mỗi vụ, HTX sẽ thu hoạch được hơn 60 tấn bắp cải, 20 tấn cải thảo và khoảng trên 100 tấn rau củ quả các loại,  doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng. Hiện các hộ nông dân trong xã Đông Sang đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ ngày càng nhiều hơn để cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Không chỉ ở xã Đông Sang, nhiều xã, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Mộc Châu đã thực hiện những mô hình nông nghiệp xanh, tạo tiền đề quan trọng để huyện định hướng phát triển nông nghiệp thân thiện với môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng.

 

 

Công nhân Công ty cổ phần hoa nhiệt đới đóng hộp hoa lan phục vụ khách hàng trong dịp Tết Tân Sửu.

 

Đến với HTX nông nghiệp Quyết Thanh ở tiểu khu Khí Tượng, thị trấn Nông trường Mộc Châu, chúng tôi được thưởng thức những trái mận, hồng giòn sấy thơm ngọt trong tiết trời se lạnh ngày xuân. Hợp tác xã Quyết Thanh đang có 9 ha trồng các loại cây ăn quả như hồng giòn, bơ, mận, đào, cam, lê áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt theo hướng VietGAP và đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận. Để nâng cao giá trị sản phẩm, năm 2019, HTX đã mạnh dạn đầu tư xây dựng một xưởng chế biến với diện tích hơn 200 m² và lắp đặt  2 dây truyền chế biến, đóng gói, bảo quản quả để phục vụ chế biến quả tươi, gồm: 2 máy sấy nóng, 1 máy sấy lạnh với công suất chế biến đạt 1,5 tấn quả tươi/ngày; 1 máy đóng gói sản phẩm và 2 kho lạnh với diện tích 24m² để bảo quản sản phẩm. Chị Lương Thị Thanh, thành viên HTX chia sẻ: Với quy  trình sấy lạnh, các sản phẩm vẫn giữ nguyên được hương vị thơm ngon của từng loại quả, mẫu mã đẹp mà không mất đi hàm lượng dinh dưỡng và vitamin có trong quả tươi. Các sản phẩm đều được đóng gói và bảo quản trong bao bì đẹp, chất lượng bao bì bền và an toàn, có ghi địa chỉ, thời gian sản xuất và truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Hiện, nhiều sản phẩm của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó sản phẩm xoài sấy dẻo được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh năm 2019.

 

 

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mộc Châu kiểm tra quy trình chăm sóc rau xanh tại HTX nông nghiệp hữu cơ Đông Sang.

 

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ cao, tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp là một trong những chủ trương, ưu tiên của huyện Mộc Châu trong phát triển nông nghiệp. Các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao đã tạo ra các sản phẩm mới có giá trị kinh tế, như: Rau cải xoăn Kale, Măng tây xanh; các giống cây ăn quả mới như: Na Thái, Xoài Thái, Xoài Úc, Nhãn chín sớm, Nhãn chín muộn, Cam Cara ruột đỏ... Thực hiện cắt, ghép mắt cải tạo cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như xoài, nhãn, đào, hồng, bơ, cam, bưởi, lê... Toàn huyện có 69 cơ sở ứng dụng tưới tiết kiệm nước theo công nghệ ISRAEL cho hơn 266 ha diện tích cây trồng, trong đó diện tích của các doanh nghiệp, HTX đầu tư trên 206 ha và hộ tư nhân đầu tư gần 54 ha; các loại cây chủ yếu được áp dụng là các loại rau, hoa, cây ăn quả, cây cảnh, việc ứng dụng công nghệ tưới phun mưa, nhỏ giọt đã tiết kiệm nước tưới, nhân công; tiết kiệm chi phí sản xuất; sản phẩm có chất lượng tốt và hiệu quả cao. Bên cạnh đó, toàn huyện cũng có 30 cơ sở đầu tư nhà lưới, nhà kính với diện tích 36,29 ha, đã giúp tránh được nhiều loại sâu bệnh, đặc biệt rất phù hợp cho việc phát triển sản xuất rau, hoa trái vụ... Bên cạnh đó, toàn huyện có 11 cơ sở được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và 22 cơ sở được cấp giấy chứng nhận sản xuất VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích là 350 ha; duy trì 10 mã số vùng trồng của 7 cơ sở, với tổng diện tích là 92,5 ha (trong đó có 37,2 ha cây nhãn, 22,3 ha cây xoài, 27 ha cây mận hậu, 6 ha cây bơ). Nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đã đầu tư kho lạnh phục vụ cho bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, như: Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5, HTX Nông nghiệp Quyết Thanh Mộc Châu đầu tư các hệ thống chế biến quả tươi các loại, với công suất bình quân đạt khoảng gần 150 tấn quả tươi/ngày; HTX hoa quả Thành Đạt đầu tư dây chuyền sơ chế quả tươi phục vụ xuất khẩu với công suất 30 tấn quả/ngày; Công ty cổ phần Hoa Nhiệt Đới có đầu tư 2 kho lạnh với quy mô 300 m³ để bảo quản hoa tươi và rau củ quả...

 

Sớm trở thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

 

Hiện, huyện Mộc Châu đã rà soát các xã, thị trấn (thị trấn Mộc Châu, thị trấn Nông trường Mộc Châu, xã: Đông Sang, Mường Sang, Chiềng Hắc, Phiêng Luông, Tân Lập,...) có điều kiện tự nhiên thuận lợi để hình thành vùng sản xuất rau, hoa, cây ăn quả, cây chè, chăn nuôi bò sữa... ứng dụng công nghệ cao và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong quy hoạch đô thị vùng và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ phải gắn với công tác bảo tồn cảnh quan thiên nhiên (cánh đồng cỏ, cánh đồng chè...), bảo vệ môi trường sinh thái thông qua định hướng dịch chuyển dần các khu chăn nuôi bò sữa ra khỏi khu dân cư tập trung. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ cao đang gặp những khó khăn, như: Vốn đầu tư ứng dụng công nghệ cao khá lớn nên nhiều hộ nông dân chưa mạnh dạn đầu tư thực hiện quy mô lớn.  Thị trường biến động, giá vật tư đầu vào cho sản xuất biến động lớn, giá nông sản đầu ra chưa ổn định do đại dịch COVID-19 nên đây là vấn đề khó khăn trong việc mở rộng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó là tư duy, thói quen sản xuất truyền thống nhỏ lẻ, manh mún có từ lâu đời trong cộng đồng dân cư nên khó khăn trong việc chuyển đổi, hình thành vùng, khu sản xuất tập trung, quy mô lớn.  Đặc biệt là tỉnh Sơn La chưa có quy hoạch các khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi bò sữa ra khỏi khu đô thị dân cư tập trung ở thị trấn Mộc Châu, thị trấn Nông trường Mộc Châu...

 

 

Máy sấy lạnh các sản phẩm quả tươi của HTX nông nghiệp Quyết Thanh.

 

Đồng chí Long Trung Tâm, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho biết: Để huyện Mộc Châu sớm được công nhận là khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Quyết định 575/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện đề nghị  ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh lập và phê duyệt quy hoạch chung khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Mộc Châu; sớm lập và ban hành quy hoạch các khu dân cư không được phép chăn nuôi; chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi bò sữa ra khỏi khu đô thị dân cư tập trung, trong đó có đô thị Mộc Châu để thực hiện tốt bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn bảo vệ môi trường sinh thái. Ưu tiên thu hút các dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao gắn với gìn giữ, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái ở các khu quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu...

 

Với sự giúp đỡ của các ngành, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân Mộc Châu, hy vọng việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên cao nguyên Mộc Châu sẽ ngày càng được triển khai đồng bộ, đáp ứng yêu cầu trong công tác quy hoạch, tái cơ cấu và hiện đại hóa nông nghiệp, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho cao nguyên Mộc Châu.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Động đất có độ lớn 3.3 độ richter tại huyện Mộc Châu

    Động đất có độ lớn 3.3 độ richter tại huyện Mộc Châu

    Huyện Mộc Châu -
    Theo thông tin từ Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu, vào hồi 7 giờ 36 phút, ngày 23/9, tại huyện Mộc Châu đã xảy ra trận động đất có độ lớn 3.3 độ richter tại vị trí có tọa độ (20.926 độ vĩ Bắc, 104.765 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
  • 'Diễn đàn cử tri

    Diễn đàn cử tri

    Diễn đàn cử tri -
    Đề nghị có hướng dẫn kinh phí quản lý, nghiệm thu rừng; Ban hành thông tư thay thế Thông tư số 01/2021/TT-BKHCN; Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng Dự án Cục dự trữ Quốc gia; Ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND
  • 'Vai trò của tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

    Vai trò của tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

    An ninh trật tự -
    Mặc dù mới đi vào hoạt động, nhưng lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trên địa bàn huyện Mường La đã tích cực tham gia hỗ trợ công an các xã, thị trấn trên địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, giữ bình yên cho cuộc sống của nhân dân.
  • 'Trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi

    Trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi

    Pháp luật -
    Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người cao tuổi, những năm qua, các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác chăm sóc người cao tuổi và triển khai hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi.
  • 'Trường Cao đẳng Y tế Sơn La nâng cao chất lượng giảng dạy

    Trường Cao đẳng Y tế Sơn La nâng cao chất lượng giảng dạy

    Khoa Giáo -
    Trường Cao đẳng Y tế Sơn La có nhiệm vụ đào tạo cán bộ y tế từ sơ cấp đến cao đẳng đã trở thành địa chỉ tin cậy trong việc đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao cho các tỉnh khu vực Tây Bắc và 9 tỉnh Bắc Lào. Nhà trường không ngừng đổi mới chương trình đào tạo, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các cơ sở y tế để sinh viên có thể phát triển toàn diện về kiến thức và kỹ năng chuyên môn.
  • 'Quy hoạch, đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số

    Quy hoạch, đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số

    Xã hội -
    Với trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.