Mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản theo chuỗi giá trị bền vững

Những năm qua, huyện Quỳnh Nhai đã chỉ đạo các xã trong huyện tuyên truyền, vận động các hộ dân liên kết thành lập HTX thủy sản, nhằm phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, tạo việc làm và thu nhập ổn định.

 

 

Mô hình nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Thủy sản An Bình, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai).

 

Chiềng Bằng, một trong những xã có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản. Trên địa bàn xã hiện có 18 HTX thủy sản hoạt động thường xuyên, với trên 1.400 lồng cá; sản lượng nuôi trồng và khai thác đạt khoảng 300 tấn cá các loại/năm. Ông Mè Văn Phái, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Việc thành lập các HTX nuôi trồng thủy sản đã tập hợp được các hộ dân sản xuất tập trung, quy mô lớn, từng bước thay đổi phương thức sản xuất lạc hậu sang sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và có nhiều thuận lợi trong việc tìm thị trường tiêu thụ. Nhiều HTX hoạt động hiệu quả, thành viên có thu nhập trên 200-500 triệu đồng/năm.

 

Còn tại xã Mường Sai, năm 2017, có 14 hộ dân đã liên kết thành lập HTX thủy sản Ngọc Hùng. Khi mới thành lập, do chưa có kinh nghiệm, nên việc nuôi cá lồng của các thành viên còn gặp khó khăn. Qua tham gia các lớp tập huấn do Liên minh HTX tỉnh tổ chức và học hỏi kinh nghiệm từ các hộ nuôi cá lồng ở xã khác, đến nay, HTX duy trì 162 lồng cá, chủ yếu là trắm, chép, nheo... Ông Tòng Văn Loán, Giám đốc HTX cho biết: Các thành viên nuôi cá theo quy trình VietGAP, áp dụng từ khâu chọn cá giống, mật độ thả cá, lựa chọn các loại thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp như sắn, chuối... Nhờ vậy, tháng 6/2019, sản phẩm cá lồng của HTX được công nhận đạt chuẩn VietGAP và đang xây dựng thương hiệu cá lồng của HTX. Hiện, thu nhập bình quân của thành viên đạt 5 triệu đồng/người/tháng.

 

Khai thác lợi thế vùng lòng hồ thủy điện Sơn La với diện tích hơn 10.500 ha, trải dài trên địa bàn 8 xã, huyện Quỳnh Nhai đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phát triển nuôi trồng thủy sản và khuyến khích thành lập các HTX thủy sản. Hiện, toàn huyện có 46 HTX nuôi trồng thủy sản, với tổng số 6.935 lồng cá. Để các HTX thủy sản hoạt động hiệu quả, năm 2017, huyện thành lập tổ tư vấn thủy sản, có nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ đăng ký thành lập, chuyển đổi hoạt động của các HTX theo Luật HTX năm 2012; hỗ trợ việc chăm sóc, nuôi trồng, phòng trừ dịch bệnh cho đàn cá nuôi. Hằng năm, phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất... Đến nay, huyện có 6 HTX thủy sản tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, cung cấp sản phẩm cho các nhà hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh; 12 HTX thủy sản sản xuất theo quy chuẩn VietGAP, như HTX vận tải Hợp Lực, HTX dịch vụ và thương mại Thương Tuyên, HTX thủy sản Hồ Quỳnh, thủy sản Chiềng Ơn...

 

Bên cạnh đó, từ năm 2015 đến nay, huyện đã hỗ trợ hơn 14 tỷ đồng cho 37 HTX làm 2.808 lồng cá. Đồng thời, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, huyện Mường La, Thuận Châu xây dựng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Cá Sông Đà Sơn La”, cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cá Sông Đà Sơn La” cho 8 HTX thủy sản trên địa bàn, với nguồn kinh phí hỗ trợ gần 450 triệu đồng. Việc xây dựng thành công thương hiệu “Cá Sông Đà Sơn La” đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cá lòng hồ, tiến tới liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ sản phẩm trong, ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, một số HTX đang thử nghiệm mô hình nuôi thủy sản mới, như HTX vận tải Hợp Lực triển khai nuôi thử nghiệm cá tầm, HTX thủy sản Bó Ban nuôi ốc nhồi.

 

Có thể nói, nuôi cá lồng đã trở thành nghề chính của người dân vùng lòng hồ sông Đà. Tuy nhiên, các HTX thủy sản còn gặp khó trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; một số HTX hoạt động chưa hiệu quả, không linh hoạt tìm kiếm thị trường tiêu thụ... Để giúp các HTX thủy sản phát triển, huyện Quỳnh Nhai đang tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các HTX sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước; tiếp tục duy trì và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Cá Sông Đà Sơn La”, cá tép dầu sơ chế đạt chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh và tìm hướng khai thác, chế biến đa dạng các sản phẩm từ cá sông Đà.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới