Mở rộng diện tích trồng cỏ nuôi gia súc

Xác định chăn nuôi đại gia súc là thế mạnh phát triển kinh tế địa phương, những năm qua, huyện Quỳnh Nhai đã lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ người dân về con giống, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo chất lượng đàn. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc theo hướng nuôi nhốt, góp phần giảm nghèo bền vững.

Nông dân Quỳnh Nhai trồng cỏ đảm bảo thức ăn cho vật nuôi.

Trước đây, người dân chủ yếu chăn thả gia súc, không chú ý việc tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh, nguồn thức ăn cho gia súc chưa được chú trọng, vì vậy, đàn vật nuôi thường hay bị dịch bệnh, chết đói, chết rét, gây thiệt hại kinh tế. Đưa chăn nuôi gia súc phát triển, năm 2006, thông qua nguồn vốn của chương trình khuyến nông, Quỳnh Nhai tuyên truyền, vận động nhân dân trồng thí điểm 7 ha cỏ voi VA06 làm thức ăn cho gia súc tại xã Nặm Ét và Chiềng Bằng.

Tại xã Chiềng Bằng, từ 5 ha cỏ trồng thí điểm, đến nay nông dân đã mở rộng lên 120 ha, đảm bảo nguồn thức ăn cho 2.977 con bò, 747 con trâu, 1.274 con dê. Nhờ đó, nhiều năm trở lại đây, tình trạng trâu, bò bị chết đói, rét không còn xảy ra. Ông Mè Văn Phái, Chủ tịch UBND xã, cho hay: Việc nhân rộng mô hình trồng cỏ voi ở xã không chỉ đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc, mà còn để nuôi cá lồng. Hiện nay, xã đang tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện, Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn ưu đãi, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã.

Còn tại xã Nặm Ét, ông Là Văn Thuông, Chủ tịch UBND xã, khẳng định: Từ 2 ha cỏ voi triển khai thí điểm ở bản Hào, đến nay, người dân trong xã đã mở rộng ra gần 50 ha. Việc trồng cỏ nuôi gia súc, đã thay đổi phương thức chăn nuôi lạc hậu, thả rông sang nuôi nhốt theo hướng hàng hóa. Gia súc được nuôi nhốt, góp phần hạn chế rủi ro, kiểm soát được dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đến nay, trên địa bàn xã có 362 con trâu, 2.071 con bò, chính quyền xã phối hợp với cơ quan chức năng mở lớp tập huấn kiến thức về phòng, chữa bệnh cho đàn vật nuôi và hướng dẫn chế biến, ủ chua thức ăn cho gia súc trong mùa đông; vận động người dân tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi đầy đủ... Từ đó, thúc đẩy chăn nuôi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của xã.

Việc mở rộng diện tích trồng cỏ phục vụ chăn gia súc không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, hạn chế dịch bệnh mà còn giúp người chăn nuôi tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Anh Là Văn Lấng, bản Bỉa Ban, xã Chiềng Bằng, chia sẻ: Để bảo đảm đủ thức ăn cho 3 con bò, gia đình đã chuyển 3.000m² đất trồng sắn sang trồng cỏ voi.

Ngoài việc tập trung phát triển diện tích cỏ voi đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi theo hướng nuôi nhốt hàng hóa, hằng năm, huyện Quỳnh Nhai còn mở hơn 100 lớp tập huấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, đói rét cho đàn vật nuôi; xử lý chất thải, nước thải từ chăn nuôi, như: Xây dựng hệ thống hầm biogas, ủ phân bằng phương pháp sinh học cùng với việc che phủ kín, xử lý nước thải bằng cây thủy sinh, sử dụng các chế phẩm sinh học (EM); thu gom, sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ sinh học có nguồn gốc từ chất thải chăn nuôi.

Từ những mô hình trồng cỏ ban đầu tại tại xã Nặm Ét và Chiềng Bằng, thấy được lợi ích nguồn thức ăn để nuôi gia súc, đến nay, huyện Quỳnh Nhai đã vận động nhân dân mở rộng diện tích lên 580 ha cỏ voi, cơ bản đảm bảo thức ăn cho trên 11.600 con trâu, 23.100 con bò. Ông Điêu Chính Hải, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thông tin: Với những giải pháp đồng bộ của cơ quan chức năng, sự thay đổi tập quán của người dân, đã đưa phát triển chăn nuôi gia súc trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện. Huyện đang tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân vay vốn; đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tạo thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết đầu tư phát triển chăn nuôi bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 13.500 con trâu, 24.000 con bò và 630 ha cỏ voi.

Việc trồng cỏ nuôi trâu, bò nhốt chuồng đã và đang tạo thuận lợi trong chăm sóc, hạn chế rủi ro, kiểm soát được dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi của huyện Quỳnh Nhai. Huyện đang tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc, giảm thiểu thiệt hại do giá rét gây ra cho đàn vật nuôi.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới