Mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ

Vụ lúa mùa năm 2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn đã triển khai thí điểm mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ đầu tiên trên địa bàn huyện, nhằm khuyến khích nông dân chuyển đổi sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng.

Người dân bản Cang Mường, xã Mường Chanh (Mai Sơn) thu hoạch lúa trồng theo hướng hữu cơ.

           

Triển khai từ tháng 6/2021, mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ được thực hiện tại các xã Mường Chanh, Chiềng Mai, Chiềng Mung và Chiềng Dong, với 884 hộ tham gia sản xuất trên 100 ha các giống lúa nếp 87, 97, một số giống lúa tẻ BC15, Nhị ưu 838 và lúa nếp tan nhe địa phương. Tổng kinh phí thực hiện mô hình trên 2,4 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ trên 1,6 tỷ đồng, người dân tham gia mô hình đối ứng trên 770 triệu đồng. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức 44 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cấy lúa theo phương pháp cải tiến SRI, hướng dẫn cách mua và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; hướng dẫn ủ phân bón hữu cơ từ các phế phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương... Đồng thời, cung ứng hỗ trợ gần 131 tấn phân bón cho các hộ tham gia mô hình; cử cán bộ thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện và hướng dẫn nông dân xử lý sâu, bệnh hại bằng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. 

           

Đứng đầu về số hộ và quy mô tham gia mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ, xã Mường Chanh có gần 450 hộ đăng ký với tổng diện tích hơn 53 ha, là xã duy nhất áp dụng hơn 10 ha mô hình trồng lúa hữu cơ bằng giống nếp tan nhe địa phương. Ông Hoàng Văn Hoa, Giám đốc HTX tan nhe Noong Ten, cho biết: HTX đã vận động 28 hộ thành viên tham gia trồng 1,4 ha giống nếp tan nhe địa phương áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ. Các thành viên được hướng dẫn kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, cây lúa khỏe mạnh hơn, ít sâu bệnh hại. So với mùa vụ trước, năng suất trung bình đạt 5,2 tấn/ha, cao hơn 0,2 tấn/ha, dù năng suất cao hơn chưa đáng kể nhưng đất đai được cải thiện rõ rệt, tiết kiệm chi phí, tạo sản phẩm chất lượng cao, an toàn.

           

Tại xã Chiềng Mai, xã có 372 hộ tham gia mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ với tổng diện tích gần 40 ha, trong đó bản Dăm Hoa có 100% số hộ tham gia với tổng diện tích trồng 12,6 ha lúa hữu cơ. Ông Tòng Văn Hường, Trưởng bản Dăm Hoa, chia sẻ: Trước đây, bà con trồng lúa sử dụng 100% phân bón vô cơ, đất thoái hóa, năng suất không cao; việc nhận biết và sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật đối với sâu, bệnh hại lúa còn hạn chế. Từ khi tham gia mô hình trồng lúa hữu cơ, bà con mua và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật “4 đúng”, biết tận dụng các phế phẩm nông nghiệp từ cà phê, lõi ngô… để ủ phân hữu cơ, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.

           

Sau hơn 5 tháng triển khai, mô hình trồng lúa hữu cơ bước đầu đã có những tác động tích cực, thay đổi nhận thức của nông dân trong canh tác. Ông Vũ Văn Hường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn, đánh giá: Các hộ tham gia mô hình đã tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật cấy lúa theo phương pháp cải tiến, chủ yếu sử dụng phân hữu cơ trong chăm sóc lúa, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng thuốc, đúng bệnh, đã đem lại hiệu quả trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Điều đáng mừng là giờ đây trên các bờ ruộng mô hình đã không còn vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt tràn lan, bừa bãi như trước nữa.

           

Sản xuất lúa theo phương pháp canh tác hữu cơ đem lại nhiều lợi ích cho người sản xuất, như: Hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, tận dụng phế thải nông nghiệp ủ phân hữu cơ để giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, cải tạo đất phục vụ sản xuất lâu dài, bền vững. Rõ nét nhất, so sánh trên cùng một diện tích đất sản xuất, cùng mùa vụ và giống cây trồng cho thấy, năng suất lúa mô hình các giống lúa nếp 87, 97 tăng 10%; đối với lúa nếp tan nhe địa phương, năng suất lúa tăng 4% so với năm ngoái.

           

Những kết quả thực hiện mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ còn nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác của người dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm công lao động, nâng cao giá trị cây trồng, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay. Để nhân rộng mô hình, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa theo hướng hữu cơ; tham mưu, đề xuất mở rộng mô hình hỗ trợ trên địa bàn 8 xã trong toàn huyện... từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới