Mô hình “Thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP” ở Chiềng Mung

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 15.700 ha cây xoài, được trồng tập trung chủ yếu ở các huyện: Yên Châu, Mai Sơn, Mường La và Sông Mã. Tuy nhiên hiện nay, việc đưa các giống xoài mới vào sản xuất còn mang tính tự phát, chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung, không theo quy hoạch, người dân còn thiếu kiến thức trong áp dụng quy trình chăm sóc xoài theo tiêu chuẩn VietGAP... nên năng suất không ổn định, chất lượng sản phẩm chưa cao. Vì vậy, việc triển khai mô hình “Thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP” thuộc Dự án khuyến nông Trung ương giai đoạn 2020 -2022 tại 2 xã của huyện Mai Sơn và Yên Châu sẽ giúp người dân nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm quả xoài, hướng tới xây dựng thương hiệu, phục vụ xuất khẩu và phát triển sản xuất bền vững.

 

Mô hình “Thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP” tại bản Nà Hạ 2, xã Chiềng Mung (Mai Sơn).

Thăm mô hình “Thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP” thuộc Dự án khuyến nông Trung ương của gia đình anh Hà Văn Khánh, bản Nà Hạ 2, xã Chiềng Mung, là một trong 3 gia đình của xã tham gia Dự án, với quy mô 1 ha. Quan sát chúng tôi nhận thấy, những cây xoài Đài Loan phát triển khá đồng đều, được trồng theo từng hàng, thuận lợi cho quá trình chăm sóc và thu hoạch quả. Chia sẻ với chúng tôi về việc tham gia mô hình, anh Hà Văn Khánh cho biết: Trồng từ năm 2016, vườn xoài đã được thu hoạch quả bói, với sản lượng 3 tấn quả/vụ. Năm 2020, được chọn tham gia mô hình “Thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP”, gia đình tôi đã được cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc; phòng trừ sâu bệnh; bón phân; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”..., hiện đang phát triển tốt. Tôi hy vọng vụ xoài năm 2021, năng suất sẽ đạt trên 20 tấn/ha.

Còn vườn xoài của gia đình ông Nguyễn Thành Đô, bản Phát (Chiềng Mung), rộng 0,5 ha được trồng cách đây hơn 10 năm, tham gia mô hình “Thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP”, ngoài thực hiện nghiêm các quy trình kỹ thuật, ông được cán bộ khuyến nông hướng dẫn bao quả từ giai đoạn sớm để chất lượng và mẫu mã quả đẹp, bán được giá cao hơn. Gia đình ông mong tiếp tục được hỗ trợ để mở rộng diện tích trồng xoài an toàn, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh tham gia xuất khẩu.

Được biết, từ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình “Thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP” tại hai xã Chiềng Mung (Mai Sơn) và Lóng Phiêng (Yên Châu), với 6 hộ dân tham gia, quy mô 16 ha, thực hiện trong 3 năm (2020-2022). Trong đó, xã Chiềng Mung có 3 hộ gia đình tại bản Phát và bản Nà Hạ 2 tham gia mô hình, quy mô 2 ha. Trước khi triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn điều tra thực trạng sản xuất xoài trên địa bàn xã Chiềng Mung, sau đó lựa chọn 2 ha xoài đủ tiêu chuẩn của 3 hộ gia đình trong xã để triển khai thực hiện. Mô hình được thực hiện với mục đích hướng dẫn người dân sản xuất theo hướng bền vững; ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong thâm canh cây xoài, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hướng tới phục vụ xuất khẩu; xây dựng thương hiệu sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Các hộ tham gia mô hình đã được hỗ trợ trên 6.300 kg các loại phân; 98.000 túi bao quả; 5,6 kg thuốc bảo vệ thực vật.

Tham gia mô hình, các hộ gia đình còn được chuyển giao kỹ thuật thâm canh cây xoài theo quy trình VietGAP, như: Kỹ thuật tỉa cành tạo tán; kích thích ra chồi non, tạo mầm hoa, quản lý dinh dưỡng và cải thiện chất lượng quả xoài thông qua kỹ thuật bao quả; hướng dẫn thực hiện nghiêm túc việc tổ chức sản xuất, ghi nhật ký, tuân thủ những quy định về sản xuất nông sản an toàn và truy xuất được nguồn gốc... Qua đó, áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình, nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước gắn với xuất khẩu.

Điều ghi nhận là, do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thâm canh xoài an toàn, nên không có hiện tượng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ, nên đã tác động tích cực giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, còn tận dụng đất trống, đồi trọc để mở rộng diện tích thâm canh xoài, góp phần chống xói mòn đất, cải thiện môi trường sinh thái và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới