Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Vân Hồ

Khai thác lợi thế về đất đai, khí hậu mát mẻ, nguồn nước tưới tiện lợi, HTX Mộc Vân Green, bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ đã đầu tư cơ sở, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây giống, rau, củ, quả an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thăm khu sản xuất của HTX, chúng tôi ấn tượng với dãy nhà nilon khung thép kiên cố, cùng hệ thống tưới phun nước bao phủ kín diện tích vườn ươm, khu trồng rau. Ông Trương Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty Greenfarm, chia sẻ: HTX thành lập năm 2020, với 7 thành viên, là cơ sở thuộc hệ thống của Công ty, có trụ sở chính ở Mộc Châu. Tổng đầu tư HTX khoảng 12 tỷ đồng, gồm đất, nhà màng, hệ thống tưới bán tự động, máy móc, thiết bị, kho lạnh 100 m3 và 5 xe vận chuyển các loại gồm cả xe lạnh, bảo quản rau tươi ngon, đảm bảo chất lượng.

HTX Mộc Vân Green sử dụng máy gieo hạt để sản xuất cây giống

Trên tổng diện tích 5 ha, HTX đã đầu tư 2 ha nhà nilon có lắp hệ thống tưới bán tự động, bảo đảm các điều kiện cho rau phát triển tốt và 1 ha có hệ thống tưới văng. Mỗi ha nhà nilon cùng hệ thống tưới đầu tư khoảng 350 triệu đồng; mỗi ha có hệ thống tưới chi phí 150 triệu đồng. HTX sử dụng 1,5 ha nhà nilon làm vườn ươm có thêm hệ thống máy móc hiện đại, như: Máy nghiền đất, máy đóng bầu, máy gieo hạt vào các khay được kê trên giàn tránh nhập úng, hạn chế mầm bệnh.

 Mỗi năm, HTX sản xuất 15 triệu cây giống các loại, gồm: Bắp cải, cà chua, dưa chuột, cải thảo, cải Kale, cà rốt... Hạt giống được nhập từ các công ty có uy tín, như: Công ty TNHH Sakata Việt Nam, Công ty TNHH Giống cây trồng Takii Việt Nam của Nhật Bản, Công ty TNHH Sản xuất Bejo Việt Nam của Hà Lan…, đem đến lựa chọn giống cây tốt nhất cho nông dân ở Sơn La và Điện Biên. Mỗi lứa ươm giống chỉ khoảng 30 ngày có thể xuất bán, lợi nhuận đạt 1 tỷ đồng/năm/ha.

Khu vườn ươm cây giống của HTX Mộc Vân Green được đầu tư hiện đại

Ngoài diện tích sản xuất của đơn vị, HTX còn liên kết với 12 hộ trồng rau theo quy trình VietGAP với tổng diện tích 5 ha. HTX cung cấp cây giống chất lượng, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Trong quá trình sản xuất, đội ngũ kỹ thuật của HTX sẽ giám sát, ghi nhật ký hàng ngày. Trước khi sản phẩm được xuất bán, sẽ lấy mẫu để xét nghiệm; sản phẩm rau sạch được truy xuất nguồn gốc, mã vạch với các thông số cụ thể về quy trình sản xuất, loại giống cây, thời gian gieo giống và thu hoạch, địa điểm, người trồng.

Sản phẩm của HTX và liên kết với các hộ dân được tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị lớn như: BigC, Aeon, Lotte, Vinmart… và các bếp ăn trường học, bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn xuất sang các thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, mỗi năm từ 300 - 500 tấn cải thảo, hành tây. Lợi nhuận mỗi ha trồng rau bình quân đạt trên 200 triệu đồng/năm. HTX tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

Sản xuất rau theo quy trình VietGAP tại HTX Mộc Vân Green

Chị Đinh Thị Định, bản Hang Trùng, xã Vân Hồ, làm ở vườn ươm của HTX, chia sẻ: Tôi vào làm ở HTX đến nay đã được 3 năm. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khác xa so với cách trồng rau màu truyền thống theo kinh nghiệm. Tuy nhiên, sau khi được hướng dẫn, tôi và các lao động khác nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật, vận hành máy móc nên năng suất lao động hiệu quả. Công việc tuy không nặng nhọc, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, theo dõi và ghi chép cẩn thận về quá trình sản xuất, từ bón phân, tưới nước, phun thuốc đều phải có liều lượng phù hợp với thời tiết, giai đoạn phát triển của cây giống. Tôi có thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng và còn học được kỹ thuật trồng rau ứng dụng công nghệ cao, truyền đạt cho gia đình và mọi người áp dụng.

Theo ông Trương Văn Nghiệp, thông tin: HTX được địa phương tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, cho phép xây dựng đường nội đồng dễ dàng sản xuất và thu hoạch. HTX đang được huyện khuyến khích hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng sản phẩm rau an toàn được xếp hạng OCOP của địa phương.

Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của HTX Mộc Vân Green liên kết với các hộ dân mở rộng quy mô sản xuất, chuyển giao công nghệ cho nông dân và bao tiêu sản phẩm là hướng sản xuất hiệu quả bền vững. Mô hình trở thành địa chỉ cho nông dân nhiều nơi đến học tập và áp dụng.

Phạm Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới