Mai Sơn chuyển hướng chăn nuôi đại gia súc tập trung

Phát huy lợi thế về diện tích đất đai rộng lớn, nguồn thức ăn gia súc đa dạng, phong phú, huyện Mai Sơn đã triển khai chủ trương “Phát động phong trào trồng cỏ hàng hóa gắn với phát triển đại gia súc theo hướng tập trung, hiệu quả” để huy động các nguồn lực phục vụ phát triển chăn nuôi bền vững, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần thực hiện cơ cấu ngành nghề nông nghiệp địa phương.

Tổ công tác 817 tuyên truyền, vận động các hộ dân liên kết chăn nuôi với HTX trên địa bàn huyện.

Chủ trương “Phát động phong trào trồng cỏ hàng hóa gắn với phát triển đại gia súc theo hướng tập trung, hiệu quả” là một trong 12 chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy Mai Sơn về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mai Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, Huyện ủy đã thành lập Tổ công tác tổ chức các hội nghị tuyên truyền, quán triệt chủ trương của huyện và phổ biến Luật Chăn nuôi tại 9 xã triển khai thí điểm mô hình tại các xã: Chiềng Mung, Hát Lót, Cò Nòi, Chiềng Mai, Chiềng Lương, Chiềng Dong, Mường Bằng, Mường Bon và Chiềng Chung. Phối hợp với các xã tổ chức cho 50 lượt nông dân tham quan mô hình trồng cỏ, nuôi bò lai sinh sản và 3B thương phẩm của HTX nông nghiệp Sơn La, tiểu khu 19-5, xã Cò Nòi bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Kết nối, vận động các hộ nông dân liên kết sản xuất với HTX để cung cấp giống bò lai, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và liên kết sản xuất, tiêu thụ bò giống, bò thương phẩm cho nông dân, dần xây dựng chuỗi cung ứng thịt bò an toàn.

HTX nông nghiệp Sơn La hiện có 22 thành viên, nuôi 800 con bò giống 3B, bò lai Shin, bò Zube thương phẩm và sinh sản. Năm 2022, HTX dự kiến liên kết sản xuất với các hộ chăn nuôi địa phương nâng tổng đàn bò lên 1.200 con; HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ bò giống, bò thịt, trồng cỏ và tư vấn chuyển giao kỹ thuật cho các hộ liên kết sản xuất. Đồng thời, nghiên cứu định lượng thức ăn tinh để tự sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi cho các hộ liên kết bằng nguồn lương thực địa phương, nâng cao lợi nhuận kinh doanh, tiết kiệm chi phí vận chuyển tối đa. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc HTX, cho biết: Hiện nay, HTX đã ký hợp đồng liên kết với một số hộ chăn nuôi ở xã Chiềng Chung, cung cấp bò giống cho các hộ chăn nuôi. Dự kiến khi tổng quy mô đàn bò đạt 3.000 con, HTX sẽ xây dựng lò mổ, sơ chế, chế biến thành phẩm khi đưa thịt bò vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị theo chuỗi.

Mô hình trồng cỏ của thành viên HTX nông nghiệp Sơn La, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn.

Ông Trần Hữu Bính, thành viên HTX nông nghiệp sạch Sơn La, chia sẻ: Trước đây, tôi nuôi lợn thương phẩm quy mô 2.000 con/năm với chi phí thức cao, rủi ro dịch bệnh lớn. Sau khi nghiên cứu và tìm hiểu, tôi đã chuyển đổi đầu tư nuôi thử 20 con bò 3B có vóc dáng, trọng lượng đạt từ 1,6 -1,8 tạ/con. Bò 3B lớn nhanh, sử dụng nguồn thức ăn đa dạng, dễ kiếm, phân bò dùng bón cho cây trồng, tiết kiệm chi phí sản xuất hoặc bán đem lại doanh thu 1 triệu đồng/con. Hiện, tôi đã mở rộng quy mô nuôi lên 500 con bò thương phẩm, trồng 5 ha cỏ voi, đầu tư chuồng trại chăn nuôi khép kín.

Để tạo điều kiện về vốn cho các hộ phát triển chăn nuôi, huyện Mai Sơn đã yêu cầu Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể ưu tiên giải ngân, hỗ trợ hơn 20 hộ xã Chiềng Chung và Mường Bon vay 2 tỷ đồng đầu tư nuôi bò 3B. Anh Hà Văn Kim, bản Khoa, xã Chiềng Chung, chia sẻ: Tôi được vay 95 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH và ký kết hợp đồng sản xuất với HTX nông nghiệp Sơn La mua 2 con bò 3B giống để nuôi. Chúng tôi được HTX cung cấp bò giống, tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ thụ tinh nhân tạo bò lai và được HTX cam kết bao tiêu sản phẩm. Với hình thức liên kết sản xuất này, người nuôi bò có đầu ra ổn định và bớt rủi ro. 

Mô hình nuôi bò 3B thương phẩm của ông Trần Hữu Bính, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn.

Triển khai Chủ trương “Phát động phong trào trồng cỏ hàng hóa gắn với phát triển đại gia súc theo hướng tập trung, hiệu quả”, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế địa phương các xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, đưa ra định hướng phát triển chăn nuôi phù hợp với địa phương. Mục tiêu phấn đấu trong năm 2022, toàn huyện sẽ trồng mới 150 ha cỏ và cây trồng khác phục vụ chăn nuôi gia súc; tăng từ 2.000 con trâu, bò trở lên; xây dựng các mô hình vỗ béo, Shin hóa, Zebu hóa...

Thời gian tới, huyện Mai Sơn tiếp tục tuyên truyền, vận động, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Thực hiện quy hoạch gắn với đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, hướng tới thị trường hàng hóa; vận động người dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ; lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cải tạo con giống; tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi và thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư vào chăn nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. 

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới