Mã số vùng trồng - chìa khóa xây dựng lòng tin cho nông sản

Trong sản xuất nông nghiệp, mã số vùng trồng được hiểu là mã số định danh cho một vùng trồng, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản... Việc thúc đẩy các tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng là điều cần thiết, bởi đó cũng chính là “tấm vé thông hành” cho xuất khẩu nông sản ra thị trường quốc tế.

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Tuấn, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã chăm sóc vườn nhãn.

 

Toàn tỉnh hiện có 241 mã số vùng trồng cây ăn quả được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp, với diện tích trên 3.800 ha để phục vụ xuất khẩu sang các nước: Trung Quốc, Úc, New Zealand, Hoa Kỳ. Gồm, 133 mã vùng trồng nhãn, diện tích trên 1.900 ha; 99 mã số vùng trồng xoài, diện tích gần 1.400 ha; 7 mã vùng trồng chuối, diện tích 459 ha; 2 mã trồng thanh long, diện tích 86 ha và 37 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.

Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Để được cấp mã số vùng trồng, nông sản được sản xuất theo một quy trình nhất định từ yêu cầu về diện tích canh tác, điều kiện canh tác, sổ sách ghi chép, vệ sinh trên đồng ruộng, thành phần dịch hại trong vùng sản xuất đến yêu cầu về thuốc bảo vệ thực vật. Việc xây dựng mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các điều kiện khắt khe về ATTP, mà còn làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương trong việc nâng cao năng suất, diện tích, chất lượng và đầu ra cho sản phẩm.

Là một trong những vùng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh, những năm gần đây, sản phẩm nhãn Sông Mã ngày càng khẳng định được thương hiệu và vươn ra thị trường quốc tế. Hiện, toàn huyện có gần 7.500 ha, trong đó có gần 6.000 ha cho thu hoạch, sản lượng năm 2022 ước tính 60.000 tấn. Đến nay, đã có 39 mã vùng trồng nhãn của huyện, với diện tích 430 ha xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ và Úc.

Ông Đào Ngọc Bằng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoàng Tuấn, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, đơn vị có nhiều năm có sản phẩm nhãn xuất khẩu, khẳng định: Việc được cấp mã số vùng trồng có vai trò vô cùng quan trọng đối với các HTX khi muốn mở rộng thị trường thông qua hình thức xuất khẩu. Để quả nhãn đạt chất lượng tốt nhất, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, HTX luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn. Mọi tác động lên cây trồng trong 1 vụ, như đốn tỉa, chăm sóc, bón phân, phun thuốc... đều được ghi lại đầy đủ, rõ ràng. Vụ nhãn năm nay, HTX đã chỉ đạo các thành viên tuân thủ đúng quy trình chăm sóc ngay từ lúc nhãn chuẩn bị ra hoa để đảm bảo năng suất và chất lượng.

Tại huyện Thuận Châu, việc cấp mã số vùng trồng cũng được xác định là con đường nhanh nhất để các loại nông sản có thể tiếp cận với các thị trường lớn và khó tính, nhất là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ông Trần Hữu Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Ngay từ đầu năm, Phòng đã bám sát các thông tin về xuất khẩu, thông qua nhóm zalo để tuyên truyền, cập nhật các tiêu chuẩn cơ sở xuất khẩu, hướng dẫn các HTX, thành viên HTX đăng ký xây dựng mã số vùng trồng mới, chủ động thực hiện các tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường xuất khẩu, hướng đến sản xuất theo nhu cầu và yêu cầu của từng thị trường. Năm nay, một số tiêu chuẩn cơ sở đối với thị trường nhập khẩu có những thay đổi, đặc biệt thị trường Trung Quốc, phấn đấu trong năm 2022, toàn huyện xây dựng thêm 6 mã số vùng trồng xuất khẩu.

Việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đang được triển khai thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu. Theo đó, chỉ có nông sản được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói được công nhận mới được phép xuất khẩu sang các nước, như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc... Mục tiêu của việc cấp, quản lý và giám sát vùng trồng đã được cấp mã số là để đảm bảo truy xuất được đến từng vườn trồng, cơ sở đóng gói về các loại sinh vật gây hại đã phát hiện trên vườn trồng; các biện pháp quản lý sinh vật gây hại đã được sử dụng trên vườn trồng, đặc biệt là ghi nhận về các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã sử dụng. Mỗi mã số vùng trồng được cấp không phải là không có thời hạn, mà theo định kỳ, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải tiến hành giám sát để đảm bảo vùng trồng đó vẫn đang được quản lý tốt.

Trước những yêu cầu ngày càng chặt chẽ về quản lý chất lượng nông sản, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thiết lập, quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2022-2025. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương lập danh sách vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số có nhu cầu xuất khẩu trong niên vụ hàng năm để thực hiện kiểm tra, giám sát; tăng cường hướng dẫn kỹ thuật sản xuất tại các mã số trồng phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, rà soát những cơ sở sản xuất không đảm bảo theo quy định sẽ bị thu hồi hoặc bị hủy mã số do không đáp ứng tiêu chuẩn, tránh việc lợi dụng mã ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín, sản phẩm nông sản tỉnh.

Cấp mã số vùng trồng có thể được coi là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản, là điều kiện cần thiết và là bước tiến quan trọng cần phải làm để nông sản Sơn La có thể bước chân vào các thị trường khó tính.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới