Khuyến khích các HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Thời gian qua, huyện Thuận Châu luôn quan tâm, khuyến khích và hỗ trợ các HTX đầu tư trang thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật, lựa chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế.

 

 

Thành viên HTX Nông nghiệp Quỳnh Thuận đóng gói thanh long xuất khẩu.

 

Toàn huyện hiện có 17 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Từ năm 2017 đến nay, huyện Thuận Châu đã triển khai hỗ trợ thực hiện mô hình công nghệ tưới nhỏ giọt cho 8 HTX trồng chè, cà phê, cây ăn quả với diện tích cây trồng được tưới là 21,4 ha; xây dựng hệ thống nhà màng với diện tích 1 ha trồng rau các loại. Riêng năm 2020, huyện đã hỗ trợ cho 12 HTX hoàn tất thủ tục hồ sơ chứng nhận VietGAP; hỗ trợ các HTX xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; in bao bì sản phẩm với tổng kinh phí trên 1,1 tỷ đồng. Huyện đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho nông dân và các HTX về kiến thức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản nông sản. Qua đó, giúp các HTX sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

 

Là một trong những HTX tiêu biểu của huyện Thuận Châu về việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới vào sản xuất, HTX Chanh leo Thuận Châu hiện có 190 ha chanh leo với năng suất 20 tấn quả/ha/năm. Sản phẩm chanh leo của HTX được đem đi trưng bày, giới thiệu tại nhiều hội chợ, tuần nông sản tại Sơn La, Mộc Châu, Hà Nội... được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã. Đặc biệt, năm 2020 HTX đã phối hợp với Công ty TNHH Lỏi Tươi Agrico (Mộc Châu), đưa giống chanh leo vàng Thái Bảo vào trồng, đây là giống chanh leo mới, khi chín quả có vỏ màu vàng và đậm vị ngọt, được thị trường ưa chuộng. Toàn bộ 20 ha chanh leo vàng Thái Bảo của HTX được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng thuốc hóa học, sản phẩm không sử dụng chất bảo quản.

 

Bà Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX Chanh leo Thuận Châu, chia sẻ: So với giống chanh leo truyền thống, thì giống chanh leo vàng Thái Bảo cho quả to, mẫu mã đẹp và giá bán cho thương lái đến nhập tại vườn năm nay được 28.000 đồng/kg cao gấp đôi so với chanh leo tím. Trong năm tới, HTX sẽ mở rộng thêm diện tích trồng chanh leo vàng Thái Bảo để nâng cao hiệu quả kinh tế cho các thành viên.

 

Để thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, HTX Nông nghiệp Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha đã mạnh dạn xây dựng đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel cho 5 ha trồng cam, thanh long. Với phương châm lấy chất lượng sản phẩm để tạo dựng uy tín với khách hàng, HTX đã vận động các thành viên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để thay thế dần thuốc hóa học, ứng dụng công nghệ sinh học và kỹ thuật canh tác theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững. HTX luôn giám sát, hướng dẫn người lao động sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, sản phẩm của HTX sản xuất ra được người tiêu dùng đón nhận, đặc biệt năm 2020, 20 tấn quả thanh long của HTX lần đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Nga.

 

Ông Trần Hữu Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Châu, thông tin: Những HTX có diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với sản xuất thông thường khoảng từ 10% đến 20%. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất làm nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; quy trình thâm canh các loại cây trồng, vật nuôi bền vững, thân thiện với môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

 

Nhằm thúc đẩy nhân rộng mô hình các HTX ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, huyện Thuận Châu đang tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ nguồn vốn để các HTX có thể ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học vào sản xuất. Bên cạnh đó, hỗ trợ các chính sách về đào tạo nghề, giúp các HTX lựa chọn, áp dụng công nghệ phù hợp, chuyển đổi sản xuất trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tăng chất lượng, giá trị kinh tế và năng suất của các sản phẩm trên một đơn vị diện tích. Đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu phấn đấu hết năm 2021, huyện sẽ có thêm 6 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần đưa nền sản xuất nông nghiệp của huyện ngày càng phát triển bền vững.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới