Gắn kết nhà máy chế biến hoa quả với vùng nguyên liệu

Hiện nay, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ tại bản Co Chàm, xã Lóng Luông (huyện Vân Hồ) đã hoàn thiện lắp ráp dây chuyền sản xuất cam và nhãn, với công suất chế biến 5 tấn quả/giờ/dây chuyền. Đồng thời, xây dựng kế hoạch xúc tiến hợp tác, liên kết với người dân phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà máy.

Sẵn sàng sản xuất thương mại

Tháng 9/2020, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ (Công ty cổ phần chế biến thực phẩm sạch Vân Hồ) khánh thành và đưa vào vận hành thử nghiệm dây chuyền sản xuất cam. Theo thiết kế, giai đoạn 1 Nhà máy có công suất chế biến 300 tấn rau, quả, thảo dược/ngày, giải quyết 15.000 ha nguyên liệu. Đây là Nhà máy được đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại bậc nhất Việt Nam, tập trung chế biến các loại quả, như: Nhãn, cam, xoài, chanh leo, táo sơn tra để cho ra các loại nước ép quả tự nhiên và an toàn.

 

Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ vận hành thử nghiệm dây chuyền sản xuất.

Ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến thực phẩm sạch Vân Hồ, thông tin: Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các chuyên gia nước ngoài không thể trực tiếp sang Việt Nam. Do vậy, quá trình lắp ráp, chạy thử được thực hiện bởi các chuyên gia trong nước, với sự hỗ trợ, giám sát của các chuyên gia nước ngoài qua hình thức trực tuyến, dẫn đến tiến độ có chậm so với dự kiến. Song đến thời điểm hiện tại, Nhà máy đã lắp ráp và hoàn thiện 2 dây chuyền sản xuất cho quả cam và nhãn, công suất mỗi dây chuyền chế biến 5 tấn quả/giờ, với các sản phẩm, gồm: Nước cam ép cô đặc, nước cam ép thanh trùng, nước nhãn ép thanh trùng.

Chuyển giao kỹ thuật điều khiển Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ.

Hiện nay, Nhà máy đã hoàn thiện quá trình hiệu chỉnh thiết bị, đánh giá quy trình, đánh giá tiêu chuẩn ISO, sản xuất sản phẩm mẫu. Công ty đã hoàn tất công tác xin cấp các chứng chỉ về hệ thống quản lý chất lượng FFSC 22000, ISO 9001, ISO 14001; đang xây dựng kế hoạch sản xuất để xác định sản lượng tiêu thụ nguyên liệu và làm cơ sở để hợp tác, liên kết đảm bảo nguyên liệu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà máy. Đồng thời, tuyển dụng gần 40 vị trí việc làm, trong đó tỷ lệ lao động địa phương đạt 72%. Trong Quý 2/2021, Nhà máy tiếp tục tuyển dụng một số vị trí cần thiết để phục vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh. Hiện nay, Công ty đang chuẩn bị các bước lắp ráp dây chuyền sản xuất xoài và các loại quả theo kế hoạch.

 

Liên kết, tạo bứt phá cho nông nghiệp Sơn La

 

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 78.850 ha cây ăn quả và cây sơn tra, sản lượng quả năm 2020 ước đạt 336.330 tấn, trong đó: xoài gần 20.000 ha; nhãn trên 18.700 ha; sơn tra gần 12.500 ha; chanh leo gần 1.900 ha; cam 1.968 ha... Nhiều loại quả đã xuất khẩu sang thị trường khó tính, như: Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, EU... Tuy nhiên, với sản lượng lớn, do vậy yêu cầu chế biến càng đặt ra bức thiết.

Cán bộ phụ trách vùng nguyên liệu Nhà máy khảo sát vùng nguyên liệu tại xã Chiềng Ban (Mai Sơn).

Huyện Mai Sơn hiện là vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung với diện tích 10.016 ha, chiếm gần 13% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh, trong đó có 3.000 ha sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, 800 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, 291 ha được cấp chứng nhận VietGAP. Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, nhận định: Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản tươi là rất cần thiết nhưng chế biến sâu càng quan trọng hơn nhằm gia tăng giá trị, hạn chế tối đa việc được mùa rớt giá. Vì thế, chúng tôi mong chờ Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ đi vào hoạt động để nhân dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Hiện nay, Công ty cổ phần chế biến thực phẩm sạch Vân Hồ, đã liên kết và ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu với 5 đơn vị HTX, doanh nghiệp trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Mai Sơn và Mộc Châu. Trước mắt, để đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất nhãn và cam, phía công ty đã lựa chọn những vùng nguyên liệu theo mô hình HTX, có sản phẩm đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGap để liên kết, thu mua làm nguyên liệu cho Nhà máy. Qua khảo sát, đánh giá bước đầu mô hình trồng cây ăn quả của các HTX được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt, đủ điều kiện để làm nguyên liệu cho Nhà máy.

Là một trong những HTX trồng cây ăn quả đầu tiên ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Nhà máy, ông Hoàng Văn Chất, Giám đốc HTX Trường Tiến, xã Chiềng Ban (Mai Sơn), cho biết: HTX hiện có 32 ha cây ăn quả có múi. Riêng gia đình tôi có 4,7 ha, năm 2020 thu hoạch khoảng hơn 100 tấn. Vườn cam được chăm sóc theo quy trình VietGAP, sử dụng phân bón hữu cơ, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Được Nhà máy ký cam kết bao tiêu sản phẩm, chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm theo các tiêu chuẩn quy định để cùng phát triển. Chúng tôi mong muốn vụ tới ngoài nhãn, cam nhà máy sẽ hoàn thiện thêm dây chuyền sản xuất các loại quả khác giúp nhân dân giải quyết đầu ra sản phẩm.

Đẩy mạnh sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản được Sơn La xác định là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó xuất khẩu là khâu đột phá. Nhưng để phát triển bền vững thì xuất khẩu quả tươi là chưa đủ mà cần đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến hoa quả theo chuỗi liên kết. Với định hướng đó, mối liên kết được đánh giá là chất lượng cao giữa Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ với các HTX được kỳ vọng sẽ góp phần tạo bứt phá cho nông nghiệp Sơn La.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới