Gắn kết cộng đồng chung sức giữ rừng

Huyện Thuận Châu có diện tích rừng tự nhiên lớn, với trên 68.800 ha. Những năm qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại huyện đã phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác quản lý và bảo vệ rừng, nâng độ che phủ rừng, tạo sinh kế, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

 

Từ tiền chi trả DVMTR, gia đình anh Sùng A Dơ, bản Cổng Chặp, xã Phổng Lái trồng cây sa nhân, phát triển kinh tế.

Ông Đỗ Quốc Hưng, Trưởng Chi nhánh Quỹ bảo vệ phát triển rừng Thuận Châu - Quỳnh Nhai, cho biết: Chi nhánh đã đẩy mạnh tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) với nhiều hình thức đa dạng, trong đó, xác định bám sát các chủ rừng, cộng đồng dân cư để tuyên truyền; rà soát diện tích rừng, triển khai hướng dẫn lập phương án thu, chi tiền dịch vụ môi trường cho các tổ chức, cộng đồng xã, bản. Để công tác chi trả DVMTR thuận lợi, hiệu quả, minh bạch và đúng thời gian quy định, 3 năm nay, Chi nhánh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Thuận Châu thực hiện công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản. Đến thời điểm này, đã thanh toán hơn 20,8 tỷ đồng tiền DVMTR năm 2022 cho 3.154 chủ rừng với diện tích được chi trả là 46.433,89 ha, giúp tiết kiệm được thời gian, nhân lực, chi phí, đảm bảo khoa học, hiệu quả, đồng bộ, chính xác cao, đáp ứng yêu cầu về thực hiện chính sách chi trả DVMTR trong tình hình mới.

Chính sách chi trả DVMTR còn góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện sinh kế và giúp người dân gắn bó với rừng. Với nguồn kinh phí từ chi trả DVMTR, nhiều cộng đồng thôn, bản đã xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển sinh kế, các công trình phúc lợi góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ gia đình; xây dựng được quỹ chung sử dụng vào hoạt động hỗ trợ tổ tuần tra bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, xây dựng nhiều hạng mục phục vụ dân sinh, đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở hạ tầng, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Điển hình trong sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng trong công tác quản lý bảo vệ rừng gắn liền với việc xây dựng các công trình phúc lợi phải kể đến bản Cổng Chặp, xã Phổng Lái. Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông nội bản rộng rãi, sạch sẽ dài 2km được xây dựng từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, Trưởng bản Sùng A Só phấn khởi nói: Bản hiện có 387 ha rừng tự nhiên đủ điều kiện chi trả, cộng đồng bản vừa được chi trả 217 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2022. Từ ngày có khoản tiền này, người dân chủ động xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, còn với số tiền của cộng đồng, bà con vui vẻ, đồng thuận cùng nhau đóng góp làm đường, làm nhà văn hóa bản, sân chơi thể thao; còn lại giao cho nhóm phụ nữ lập quỹ phát triển giúp các chị em khó khăn mượn vốn phát triển kinh tế, giảm nghèo; bà con ai cũng phấn khởi, cùng nhau giữ rừng.

Anh Sùng A Dơ là một trong hộ điển hình của bản Cổng Chặp sử dụng hiệu quả tiền DVMTR của bản. Nhờ tiền DVMTR, gia đình anh đã mua sắm các phương tiện, dụng cụ máy móc để phục vụ sản xuất hằng năm. Anh Dơ cho biết: Gia đình tôi có 125 ha rừng, trong đó 113 ha rừng đủ điều kiện chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hằng năm, từ số tiền này gia đình tôi có thêm nguồn vốn cho chăn nuôi, trồng trọt, mua sắm nhiều vật dụng trong nhà, nuôi con cái ăn học; tôi dự định cải tạo những tán rừng lau lách, trồng thêm cây thông, sa nhân, sơn tra vừa để che phủ rừng, vừa có thêm thu nhập. Hai năm vừa rồi, gia đình tôi thu nhập 30-40 triệu đồng từ sa nhân và sơn tra, cuộc sống ổn định giúp gia đình tôi yên tâm gắn bó với rừng.

Tổ tuần tra bảo vệ rừng bản Muổi Nọi A, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu tuần tra bảo vệ rừng.                
Ảnh: Thu Thảo

Còn ở bản Huông, xã Chiềng Ly có 113 ha rừng tự nhiên được giao cộng đồng bản quản lý, riêng năm 2022, bản được chi trả hơn 80 triệu đồng. Trưởng bản Lường Văn Chung cho biết: Hằng năm, cộng đồng bản đã xây dựng quy chế sử dụng tiền, bàn bạc, thống nhất dùng để mua sắm dụng cụ phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng, làm đường băng cản lửa, PCCCR; khen thưởng các hộ gia đình, cá nhân tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng; chi phục vụ công tác phúc lợi của bản. Tính riêng năm nay, bản đã trích hơn 60 triệu đồng để mua sắm bàn, ghế nhà văn hóa, bê tông gần 1 km đường nội bản; tu sửa rãnh đường trục bản. Việc chi trả tiền qua tài khoản thấy rất thuận tiện, nguồn chi trả không sử dụng đến có thể để gửi tiết kiệm có lãi. Từ khi được chi trả môi trường rừng, nhiều năm nay, người dân trong cộng đồng không để xảy ra cháy rừng, không còn tình trạng phá rừng làm nương, tỷ lệ độ che phủ rừng nâng lên.

Có thể thấy hiệu quả từ chính sách chi trả DVMTR triển khai thời gian qua trên địa bàn huyện Thuận Châu đã góp phần quan trọng nâng cao cuộc sống, xóa đói giảm nghèo cho người dân tham gia bảo vệ rừng; gắn kết cộng đồng trách nhiệm giữa các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng cư dân thôn bản với chính quyền để những cánh rừng được bảo vệ, quản lý tốt, mãi được phủ xanh.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới