Điểm nhấn của nông nghiệp Sông Mã

Năm 2021, sản xuất nông nghiệp ở Sông Mã có sự chuyển biến tích cực theo hướng tập trung ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm an toàn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến nông sản, gắn với đẩy mạnh việc sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

 

Người dân xã Chiềng Khoong chăm sóc nhãn.

 

Sông Mã hiện có 10.203 ha cây ăn quả, sản lượng năm 2021 đạt trên 87.200 tấn. Ngay từ đầu năm, huyện đã dự báo tình hình tiêu thụ, xuất khẩu nông sản sẽ gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nên đã chủ động tìm kiếm, kết nối mở rộng thị trường; ứng dụng công nghệ thông tin và sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại; khuyến khích các HTX, doanh nghiệp, hộ nông dân tự tìm đầu ra cho sản phẩm. 

Ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã, cho biết: Năm qua, toàn huyện đã tiêu thụ 71.057 tấn nhãn, 11.962 tấn xoài, 210 tấn mận; trong đó, xuất khẩu 365 tấn nhãn và xoài. Huyện tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các gia đình, HTX chủ động chuyển từ xuất bán quả tươi sang chế biến long nhãn. Toàn huyện có 2.760 lò sấy long nhãn, đã chế biến 52.671 tấn quả nhãn tươi, chiếm 74,1% tổng sản lượng nhãn toàn huyện. Ngoài ra, các cơ sở sấy long trên địa bàn huyện còn hỗ trợ tiêu thụ 6.750 tấn quả nhãn tươi của các huyện Mai Sơn, Yên Châu, thành phố Sơn La và tỉnh Hưng Yên.

Thực hiện chủ trương của tỉnh về xây dựng vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn, Sông Mã đã phối hợp với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao triển khai mô hình trồng 50 ha dứa Queen tại xã Chiềng Khương. Là người tiên phong tham gia mô hình này ở bản Huổi Mo, anh Lò Văn Ngoan đã chuyển đổi 3,1 ha cây lương thực sang trồng dứa Queen. Hiện nay, diện tích dứa của gia đình phát triển tốt, dự kiến cho thu hoạch vào năm sau. Anh Ngoan, chia sẻ: Ngoài việc được huyện hỗ trợ 50% tiền giống, tôi còn được cán bộ kỹ thuật của Công ty và cán bộ chuyên môn của huyện, xã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Hy vọng, sẽ cho năng suất, chất lượng tốt, mở ra hướng đi mới cho bà con trong phát triển nông nghiệp.

Ông Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, thông tin: Năm 2021, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt 37.133 ha, bằng 102% so với kế hoạch; sản lượng lương thực có hạt đạt gần 71.000 tấn, bằng 104,6% kế hoạch. Năm 2022, huyện tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, hướng đến sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết; triển khai phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản.

Những nỗ lực của huyện Sông Mã đã giúp nông dân đã vượt qua khó khăn, thách thức, để nông nghiệp huyện ngày càng khởi sắc và bứt phá mạnh mẽ trong năm 2022.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới