Chuyển đổi cây trồng trên ruộng cạn

Trên những diện tích ruộng bạc màu, ruộng cạn trồng lúa kém hiệu quả, HTX rau củ quả Hải Nhung, xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã đã chỉ đạo các thành viên chuyển đổi sang trồng các loại rau, củ, quả phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

HTX rau củ quả Hải Nhung (HTX Hải Nhung) thành lập năm 2020, với 12 thành viên, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến rau, củ, quả các loại, như: Bí xanh, bắp cải, ngô ngọt, khoai tây, dưa chuột. HTX đã liên kết với một số công ty từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất và sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng. Các sản phẩm của HTX chủ yếu được phân phối ở các chợ đầu mối tại một số tỉnh phía Bắc. Năm 2021, sản lượng rau, củ, quả của HTX đạt 3.100 tấn, tổng doanh thu đạt hơn 20 tỷ đồng. HTX còn tạo việc làm cho 24 lao động thường xuyên, với mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

             

Thành viên HTX rau củ quả Hải Nhung kiểm tra hệ thống tưới phun tự động.

             

Thăm những cánh đồng ngô ngọt vừa mới nhú mầm sau gần 1 tuần xuống giống, anh Triệu Tài Hải, Giám đốc HTX, thông tin: Thời điểm này, HTX chỉ đạo các thành viên trồng 15 ha ngô ngọt để cung cấp nguyên liệu cho Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La. Ngô được trồng từ đầu tháng 2 và đến tháng 4 sẽ cho thu hoạch, 1 ha trồng ngô ngọt sẽ cho thu hoạch khoảng 15 tấn ngô bắp với giá bán khoảng 3.500 đồng/kg. Ngay sau khi thu hoạch ngô, HTX sẽ chỉ đạo thành viên chuẩn bị đất để trồng bí.

             

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm từ khi là thành viên HTX Hải Nhung, anh Lò Văn Chanh, bản Phương Pe, xã Chiềng Sơ đã có nguồn thu nhập cao từ trồng ngô ngọt, bí xanh trên 2.000 m² ruộng lúa của gia đình. Anh Chanh chia sẻ: Ruộng ở đây ít nước, nên một năm chỉ trồng được 1 vụ lúa, từ khi chuyển đổi sang trồng ngô ngọt, bí xanh cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Ngoài việc cung cấp giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm, chúng tôi còn được HTX hướng dẫn chi tiết từ quy trình trồng, chăm sóc, thu hái và bảo quản đúng cách, mỗi năm gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng từ trồng ngô và bí.

             

Năm 2022, HTX Hải Nhung trồng 30 ha bí xanh nova, đây là giống bí khỏe hơn so với các giống khác, quả đẹp, dễ chăm bón, ít sâu bệnh, sản lượng cao và được thị trường ưa chuộng. Hạt bí giống được ủ, xử lý kỹ thuật 10 ngày trước khi đưa vào trồng. Chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nguyên vật liệu để làm giàn trồng 1 ha bí xanh giao động từ 150-200 triệu đồng/ha. Với 1 ha bí xanh 2 vụ sẽ cho thu hoạch từ 70-100 tấn quả, giá bán bình quân khoảng 6.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sẽ thu lợi khoảng 300 triệu đồng.

             

Hiện nay, toàn bộ diện tích trồng bí xanh của HTX Hải Nhung được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Năm nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, HTX đã quay các video clip hướng dẫn ủ hạt, xuống giống, bón phân, tỉa lá cho bí xanh rồi gửi đến các thành viên của HTX thông qua mạng Zalo để mọi người có thể học và làm theo. HTX vận động các thành viên làm hệ thống tưới phun tự động để giảm công chăm sóc, kiểm soát được lượng nước cho bí theo từng thời kỳ, giúp bí sinh trưởng phát triển tốt hơn, chất lượng quả bí cao hơn. Ngoài ra, HTX còn mở rộng liên kết với hơn 200 hộ dân ở các xã lân cận, như Mường Lầm, Yên Hưng để trồng ngô ngọt, bí, khoai tây... giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

             

Ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã, cho biết: Việc chuyển đổi từ cây lúa trên ruộng thiếu nước sang cây trồng khác phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở từng địa phương không những cho thu nhập vượt trội mà còn giải quyết được vấn đề bỏ đất hoang, áp lực tưới tiêu, phòng tránh sâu bệnh hại và cải tạo đất, nâng cao năng suất cho vụ sau. HTX Hải Nhung là đơn vị tiên phong, tiêu biểu trong việc chuyển đổi và đưa các loại cây trồng hiệu quả cao vào sản xuất ở ruộng cạn. Phòng sẽ tham mưu cho huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi nhằm từng bước tiến tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao. 

             

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, việc chủ động chuyển diện tích trồng lúa thiếu nước sang cây trồng cạn của HTX Hải Nhung là một trong những giải pháp sản xuất nông nghiệp thích ứng hợp lý với biến đổi khí hậu, gắn với ứng dụng quy trình nông nghiệp tốt tạo sản phẩm chất lượng, có giá trị kinh tế cao.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới