Chủ động sản xuất cây vụ đông

Vụ đông có thời gian ngắn, nên việc mở rộng diện tích sản xuất đang là hướng đi tích cực trong chuyển đổi cây trồng, thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Các ngành chức năng, địa phương đang đẩy mạnh khuyến khích nông dân thực hiện sản xuất rau an toàn, sản xuất VietGAP, rau hữu cơ; liên kết tiêu thụ sản phẩm cây trồng vụ đông với các công ty, doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Những ngày cuối năm, trên cánh đồng xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, bà con đang tất bật chăm sóc các loại rau màu. Với nhà nông nơi đây, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính ở Mường Bon. Đa dạng về chủng loại và bảo đảm chất lượng, rau xanh của Mường Bon đã có mặt ở thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Nông dân xã Tú Nang, huyện Yên Châu chăm sóc cây vụ đông.

Ông Lò Văn Bưu, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Bon, cho biết: Từ trồng rau nhỏ, lẻ tự phát theo quy mô hộ, xã Mường Bon đã quy hoạch diện tích đất sản xuất, khuyến khích bà con nông dân liên kết thành lập HTX sản xuất tập trung, chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ. Toàn xã hiện trồng trên 55 ha rau màu các loại. Vụ đông năm nay, rau được mùa, được giá nên bà con rất phấn khởi.

Không để bị động về thị trường tiêu thụ, bên cạnh sự kết nối của huyện về liên kết đầu ra, nông dân ở xã Mường Bon đã tự mình tìm kiếm “bạn hàng”, sản xuất các sản phẩm theo đơn đặt hàng để có đầu ra ổn định, sản xuất có lãi. Ông Phạm Văn Đấu, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Tiên Sơn, bản Mai Tiên, cho biết: HTX có 21 hộ thành viên, sản xuất 6,8 ha rau. Ngoài thị trường tiêu thụ truyền thống là chợ và thương lái thu mua, các sản phẩm vụ đông như rau, củ, quả được quảng bá, tiêu thụ qua mạng xã hội zalo, Facebook... Toàn bộ sản lượng rau của HTX sản xuất đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mai Sơn, thông tin: Ngoài việc lựa chọn cơ cấu chủ lực gồm các giống có khả năng chịu rét, chịu úng tốt, năng suất, sản lượng cao và bố trí lịch thời vụ phù hợp, thì đẩy mạnh liên kết sản xuất rất được coi trọng. Theo đó, huyện Mai Sơn đã quy hoạch sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung, sản xuất theo vùng để có số lượng đủ lớn nhằm liên kết tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích các HTX ký hợp đồng bao tiêu trước khi tổ chức sản xuất đối với các sản phẩm đòi hỏi đầu tư lớn, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân. Với định hướng phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững, vụ đông năm 2022, huyện Mai Sơn ổn định diện tích 1.400 ha, trong đó có gần 300 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Còn tại huyện Yên Châu, không khí làm vụ đông diễn ra rất sôi nổi. Năm nay, nông dân trong huyện trồng trên 1.300 ha chủ yếu là ngô, tỏi, rau màu các loại, tập trung tại các xã Chiềng Pằn, Chiềng Sàng, Chiềng Đông, Tú Nang, Lóng Phiêng. Trên cánh đồng xã Tú Nang, ngoài những ruộng ngô, thì cây tỏi, bí xanh được trồng với diện tích lớn vì cho thu nhập kinh tế cao. Ông Hoàng Văn Hoan, bản Chiềng Ban 2, xã Tú Nang, cho hay: Gia đình tôi có 2.000 m² đất. Sau khi thu hoạch lúa xong, gia đình bắt tay ngay vào trồng bí, thường xuyên thăm đồng, kiểm tra sâu bệnh hại, kịp thời phun thuốc phòng trừ và đảm bảo nguồn nước tưới. Thời điểm này đang xảy ra rét đậm, ngày nào tôi cũng có mặt tại ruộng để kiểm tra. Vụ đông năm nay, cây bí ít sâu bệnh, thời tiết thuận lợi mà giá bán bí bao tử cao hơn năm ngoái. Thương lái đang thu mua tận ruộng với giá từ 9.000 - 12.000 đồng/kg. Năm nay, gia đình tôi ước tính thu lãi trên 50 triệu đồng.

Ông Lại Hữu Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Châu, cho biết: Năm nay giá một số loại rau màu khá cao và ổn định nên bà con rất phấn khởi. Chủ động ứng phó và hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ cây trồng vụ đông, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền đến bà con sử dụng các giống cây trồng thích hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng địa phương. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhân dân sản xuất cây tăng vụ và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, khung thời vụ; khuyến khích các hợp tác xã liên kết với nông dân tạo thành chuỗi liên kết sản xuất rau sạch, bảo đảm đầu ra cho nông dân...

Nông dân xã Mường Bon, huyện Mai Sơn trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP.

Vụ đông năm 2022, toàn tỉnh đã gieo trồng gần 6.500 ha, trong đó, có 2.700 ha ngô, 3.500 ha rau, đậu các loại và gần 300 ha cây trồng khác. Với chủ trương phát triển vụ đông theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngay từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch sản xuất vụ đông. Hướng dẫn người dân chủ động nguồn giống, bố trí cơ cấu cây trồng và khung thời vụ phù hợp rải vụ thu hoạch để đảm bảo tiêu thụ ổn định sản phẩm, nâng cao giá trị và không ảnh hưởng tới thời vụ sản xuất vụ lúa xuân 2023. Đồng thời, khuyến khích nông dân thực hiện sản xuất rau an toàn, sản xuất VietGAP, rau hữu cơ để tăng sức cạnh tranh tiêu thụ. Thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây trồng vụ đông với các công ty, doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Hiện, toàn tỉnh đã hình thành 34 chuỗi rau an toàn với diện tích 206 ha, sản lượng 8.793 tấn/năm. Các sản phẩm chuỗi giá trị được tiêu thụ ổn định tại các siêu thị tại Hà Nội và một số thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu với giá bán cao hơn 5-10% so với sản phẩm chưa tham gia chuỗi. Bên cạnh đó, thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây trồng vụ đông, năm 2022, nông dân trong tỉnh đã liên kết với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao trồng 504 ha ngô ngọt, 243 ha đậu tương rau và gần 100 rau chân vịt.

Vụ đông có thời gian ngắn nên việc mở rộng diện tích sản xuất đang là hướng đi tích cực trong chuyển đổi cây trồng, thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Theo khuyến cáo của ngành chức năng, thời tiết đang chuyển rét đậm, rét hại, làm ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt. Vì vậy, người nông dân cần chủ động chăm sóc, tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục cho cây tăng sức chống chịu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt; không bón đạm khi nhiệt độ dưới 15 độ C. Đồng thời, đối với cây vụ đông trồng trên đất lúa vụ xuân, cần đẩy nhanh tiến độ sản xuất, thu hoạch để đảm bảo gieo cấy lúa vụ xuân 2023 theo khung lịch thời vụ tại địa phương.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới