Chiềng Sơn chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa là chủ trương đúng, trúng và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các hộ dân trên địa bàn xã biên giới Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tạo cú hích cho các tổ chức, cá nhân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm tăng giá trị trên cùng một đơn vị canh tác.

 

Mô hình trồng bưởi da xanh ở xã Chiềng Sơn.

Để nông sản trên địa bàn xã trở thành hàng hóa, xã Chiềng Sơn đã phối hợp với các phòng, ban chức năng của huyện Mộc Châu đẩy mạnh tuyên truyền cho các hộ dân chuyển đổi hình thức sản xuất, tái cơ cấu cây trồng bằng cách mở rộng diện tích đất canh tác; đưa máy móc vào thay thế công cụ lao động thô sơ, triển khai các lớp dạy nghề để có kiến thức, biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật; khảo sát thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với từng loại cây trồng để triển khai trên diện rộng. Trong thực hiện các mô hình, khuyến khích cán bộ, đảng viên tiên phong làm trước, có hiệu quả để nhân dân tham quan học tập và nhân rộng trên địa bàn. Hiện, tổng diện tích cây ăn quả của xã đạt trên 1.215 ha, gồm: Mận, mơ, nhãn, xoài, bưởi, cam chiếm đa số với diện tích hơn 1.127 ha, trong đó có 415 ha đã cho sản phẩm, sản lượng ước đạt 8.300 tấn quả; chanh leo trên 19 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch trên 10 ha, năng suất 40tạ/ha, sản lượng quả ước đạt 80 tấn; cây mắc ca 61,7 ha; cây sơn tra 7,5 ha...

Nhân dân tiểu khu 1, xã Chiềng Sơn thu hoạch cam.

Bà Đỗ Thị Nga, Bí thư chi bộ tiểu khu 30/4, cho biết: Tiểu khu có 148 hộ, Chi bộ có 33 đảng viên; trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, Chi bộ tập trung lãnh đạo đẩy mạnh các mô hình sản xuất, chăn nuôi; vận động các hộ dân xã hội hóa đầu tư xây dựng các công trình giao thông, đầu tư thiết bị máy móc phục vụ sản xuất. Giao Chi hội nông dân tập trung tuyên truyền cho các hộ dân về kỹ thuật chăm sóc, thâm canh cây trồng, vật nuôi; xây dựng mô hình trình diễn, tham quan học tập và trao đổi kinh nghiệm sản xuất nuôi trồng giữa cá nhân với cá nhân, giữa hộ với hộ để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập.

Xã Chiềng Sơn cũng đã hình thành những vùng chuyên canh sản xuất cây chè, loại cây trồng chủ lực của xã đang mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện, toàn xã có gần 340 ha chè, gồm: Chè kinh doanh trên 317 ha; chè kiến thiết cơ bản gần 20 ha; chè trồng mới 2,3 ha, tập trung ở bản Co Phương và tiểu khu 8. Sản lượng chè búp tươi toàn xã lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 9 đạt 3.460 tấn, giá bán bình quân 6.000đ/kg, trong đó, Công ty cổ phần Chè Chiềng Ve thu hoạch 1.810 tấn; Công ty TNHH Hưng Hán và các lò sấy mini thu hoạch khoảng 650 tấn.

Nhân dân bản Co Phương, xã Chiềng Sơn thu hoạch chè búp tươi

Bên cạnh đó, để đảm bảo cho các hộ dân sản xuất, xã đã tăng cường rà soát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, tạo nguồn cung ứng đảm bảo chất lượng, an toàn; kết hợp đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của địa phương. Hiện, xã đang rà soát đăng ký 2 sản phẩm OCOP là mận sấy dẻo, xoài sấy dẻo. Đẩy mạnh thành lập HTX, tổ hợp tác nông nghiệp để thúc đẩy các mối liên doanh, liên kết giữa người nông dân với các doanh nghiệp để tạo các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trong 9 tháng qua, đã thành lập mới 1 HTX nông nghiệp hữu cơ OGANIC, nâng tổng số HTX đang hoạt động trên địa bàn lên 3 HTX.

Ông Phạm Thanh Hoằng, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Để thực hiện tốt mục tiêu phát triển và các chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ 2020-2025 và hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, Đảng bộ xã Chiềng Sơn xác định 3 khâu đột phá, đó là: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ; hình thành và phát triển vùng chè, vùng cây ăn quả theo hướng tập trung chuyên canh gắn với chế biến phục vụ xuất khẩu và thị trường trong và ngoài tỉnh; chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao...

Thời gian tới, Đảng bộ xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn cây, con giống phù hợp để phát triển kinh tế, ổn định đời sống; chỉ đạo UBND xã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với cơ sở để tổ chức thực hiện; lồng ghép các chương trình khuyến nông để hỗ trợ cây, con giống, vật tư phục vụ sản xuất từ nguồn ngân sách huyện và chương trình mục tiêu quốc gia; hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân, đồng thời tập trung các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông... 

Các hộ dân ở xã Chiềng Sơn thực hiện kỹ thuật triết ghép nâng cao năng suất, chất lượng quả

Với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tích cực đã và đang giúp nông dân xã biên giới Chiềng Sơn làm giàu từ sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, góp phần quan trọng vào triển khai thực hiện hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao ở địa phương.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới