Cầu nối nông dân với khoa học kỹ thuật

Những năm qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Sơn La đã phối hợp với các xã, phường, các tổ chức hội đoàn thể thực hiện hiệu quả công tác tư vấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất tới nông dân; xây dựng, nhân rộng các mô hình khuyến nông, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.

Cán bộ Trung tâm hướng dẫn thành viên HTX chăm sóc xoài.

Thăm mô hình trồng nho của gia đình ông Bùi Văn Lợi, bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La, với trên 3.000 gốc nho trồng trong nhà lưới, có hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Ông Lợi chia sẻ: Năm 2020, gia đình tôi trồng 1.000 gốc nho. Năm đầu tiên, do chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm chăm sóc, nên dù phát triển tốt, nhưng không cho quả. Nhờ được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhân giống, cách sử dụng phân hữu cơ bón cho cây trồng, tôi đã trồng thêm 2.000 gốc nho. Do tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật, cây nho sinh trưởng và phát triển tốt, 1.000 cây nho đang ra quả, dự kiến đến tháng 6 sẽ cho thu hoạch.

Tại xã Chiềng Ngần, từ năm 2018, HTX Hợp lực Pản Phong được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố hướng dẫn xây dựng mô hình canh tác theo hướng hữu cơ. Ông Lò Văn Pản, Giám đốc HTX, cho biết: HTX liên kết với 15 hộ dân trồng và chăm sóc 21 ha cây ăn quả. Trung bình mỗi năm, sản lượng đạt gần 200 tấn quả. Năm nay, HTX được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố hướng dẫn chăm sóc xoài ra hoa sớm hơn. Hiện, HTX đang chuẩn bị các điều kiện, vật tư để triển khai bao trái, giữ quả.

Ông Nguyễn Xuân Ước, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố, thông tin: Xây dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, Trung tâm đã lựa chọn những hộ có khả năng về vốn đối ứng, tiếp nhận khoa học kỹ thuật để phát huy được hiệu quả, nhân rộng. Cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp theo dõi, giám sát, tư vấn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn, hiệu quả. Trong 2 năm (2021-2022), từ nguồn ngân sách địa phương, Trung tâm đã hỗ trợ phân bón, vật tư nông nghiệp trị giá hơn 500 triệu đồng. Đến nay, người dân đã có chuyển biến về nhận thức và cách làm, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Sản phẩm có năng suất, mẫu mã tốt hơn so với phương thức sản xuất truyền thống.

Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các xã, phường tổ chức 41 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; Hướng dẫn gần 5.000 lượt nông dân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn; tư vấn cho trên 2.500 lượt người về các loại giống cây ăn quả, các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón chất lượng. Xây dựng 3 mô hình sản xuất nông nghiệp điểm: Cải tạo thâm canh cam, quýt tại xã Chiềng Cọ; sản xuất mận theo hướng hữu cơ tại xã Chiềng Đen; sản xuất xoài theo hướng VietGAP tại xã Chiềng Ngần.

Đồng hành với nông dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố tiếp tục bám sát cơ cấu và lịch thời vụ để thực hiện công tác dự tính, dự báo, hướng dẫn các biện pháp quản lý, phòng trừ sinh vật gây hại kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, phân công cán bộ phụ trách các xã, phường, nắm bắt tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để kịp thời có giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Tham mưu cho UBND Thành phố triển khai các mô hình nông nghiệp, gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất cho nông dân trên địa bàn.

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới