Cao nguyên Nà Sản mùa đơm hoa kết trái

Nà Sản là một trong 2 cao nguyên lớn của tỉnh, trải rộng từ các xã Hát Lót, Chiềng Mung, Mường Bon đến Chiềng Mai, Chiềng Ban. Đây là một trong những vựa cây ăn quả lớn nhất của huyện Mai Sơn và của tỉnh. Thời điểm này, hàng nghìn ha xoài, bưởi đồng loạt bung hoa nở rộ, tỏa hương ngào ngạt cho cả một vùng cao nguyên những ngày đầu xuân.

                                

Vùng trồng xoài tại xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn.

           

Đồng hành cùng người dân trong chăm sóc các loại cây ăn quả, chị Nguyễn Thị Lan, Tổ trưởng tổ khuyến nông trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cho bà con. Chúng tôi thường xuyên bám địa bàn, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây vì đây là giai đoạn quan trọng quyết định năng suất, chất lượng quả. Hướng dẫn nông dân đăng ký, xây dựng vùng trồng xuất khẩu theo vùng tập trung để dễ quản lý, giám sát, đánh giá quá trình canh tác theo các tiêu chí, nhất là việc sử dụng đúng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo từng loại bệnh và nằm trong danh mục mà nước nhập khẩu cho phép, đảm bảo các yêu cầu xuất khẩu.

Ông Hà Văn Thoát, bản Xum, xã Chiềng Mung, cho biết: Gia đình tôi có hơn 4.000 m² đất trồng xoài, bước sang năm thứ 3 cho thu quả. Năm nay, thời tiết thuận lợi, cuối năm mưa ẩm, đầu năm thời tiết ấm thuận lợi nên cây xoài rất sai hoa. Dự tính, nếu thời tiết thuận lợi, được chăm sóc đúng cách, gia đình tôi sẽ thu khoảng 5 tấn xoài.

           

Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn hướng dẫn nông dân xã Chiềng Mung chăm sóc cây xoài. 

           

So với trước đây thì hiện nay việc chăm sóc xoài để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu phải theo một quy trình chặt chẽ hơn. Bây giờ bà con không phun thuốc diệt cỏ, phải dùng máy phát làm cỏ cho cây, có nhật ký ghi rõ thời điểm bón phân, phun thuốc để theo dõi. Sau khi xoài đậu quả, phải tỉa bỏ những quả nhỏ chất lượng kém và bao trái để đảm bảo mẫu mã đẹp, quả xoài sạch hơn.

Nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu, bệnh cho cây xoài. 

           

Ngoài cây xoài, cao nguyên Nà Sản có khoảng 300 ha bưởi diễn và bưởi da xanh bước vào thời kỳ ra hoa. Theo các nhà vườn tại xã Hát Lót, thời điểm này sẽ quyết định đến năng suất và chất lượng của quả bưởi, chính vì vậy mà các nhà vườn phải thường xuyên thăm vườn, kiểm tra tình hình sâu bệnh của cây.

           

Đến tiểu khu Nà Sản, xã Hát Lót, đường bê tông chạy dài đến tận các khu vườn trồng cây ăn quả liền vùng, liền khoảnh. Những người nông dân nơi đây, chủ yếu hướng đến là việc trồng, chăm sóc, tiêu thụ cây ăn quả đáp ứng yêu cầu thị trường, như: Áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, cắt tỉa, bón phân, phòng trừ sâu, bệnh theo quy trình sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm…

           

Sử dụng phân bón hữu cơ chăm sóc cho cây bưởi.

           

Vườn bưởi hơn 1 ha của gia đình ông Giang Văn Bắc, tiểu khu Nà Sản, một trong những nhà vườn có tiếng chuyên cung cấp bưởi cho thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc được áp dụng kỹ thuật rải vụ nên có nhiều cây mới đang ra nụ nhưng cũng có nhiều cây đã nở bung hoa trắng xóa, nhiều cây thì đã đậu những chùm quả.

Ông Bắc, cho biết: Vườn bưởi sau mỗi lần thu hoạch thường trở nên rất lộn xộn với lá rụng xuống nhiều, chính vì vậy cần dọn dẹp sạch khu vườn tránh bị nhiễm bệnh cho cây ở vụ tiếp theo. Đồng thời, cắt tỉa các cành già cỗi dọn cành và lá rụng để cây hấp thụ được dinh dưỡng tốt nhất và không bị cạnh tranh ánh sáng cũng như nguồn dinh dưỡng; tiến hành phun phòng trừ sâu bệnh, như: Sương mai, nhện, rệp… bằng các loại thuốc vi sinh và sử dụng phương pháp thủ công bằng cách treo những bả sinh học trên cây để đánh bắt ruồi vàng đục quả, không để ruồi vàng châm quả.

Nhiều năm trở lại đây, thay vì dùng thuốc trừ sâu để diệt cỏ, các hộ trồng bưởi đã trồng cây cỏ lạc dại để nuôi cây. Theo các cán bộ khuyến nông, cây lạc dại có tác dụng giữ độ ẩm trong đất, tiết kiệm được nguồn nước tưới 15-20%, cải tạo đất, hạn chế cỏ dại, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật…

           

Nông dân xã Hát Lót sử dụng bẫy sinh học tránh để ruồi vàng trâm quả ở cây bưởi.

           

Hoa bưởi đang vào thời kỳ kết trái.

           

Với sự tích cực và chủ động chăm sóc cây ăn quả của người dân, cùng với sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, tin tưởng vụ thu hoạch năm nay của huyện Mai Sơn sẽ đạt sản lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

           

Nguyễn Yến - Phan Trang

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới