Cải tạo vườn mận hậu sau thu hoạch

Hiện nay, huyện Mai Sơn có 730 ha mận hậu, trong đó 667 ha đã cho thu hoạch. Thời điểm này, các hộ dân trong huyện đang thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, sản lượng, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm mận hậu trên thị trường.

Mô hình cắt tỉa cành tạo tán cho cây mận hậu của nông dân tiểu khu 3/2, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn.

Đến thăm vườn mận của gia đình ông Lường Văn Quý, tiểu khu 32, xã Cò Nòi, sau khi cắt tỉa, vườn mận cao ngang đầu người, khoảng cách cây cách cây, hàng cách hàng 5-6 m, vừa dễ chăm sóc và thu hái. Ông Quý chia sẻ: Năm 2018, gia đình tôi trồng 0,5 ha mận hậu đã cho thu hoạch quả 2 năm nay. Qua học hỏi kinh nghiệm từ những nhà vườn, ngay sau khi thu hoạch, gia đình đã cắt tỉa cành tạo tán, hiện vườn mận đã ra hoa, đậu quả. Vụ này, ngoài tập trung phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc, năm nay gia đình chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Còn hộ ông Hoàng Văn Ảnh, bản Tong Chinh, xã Chiềng Ban sau khi thực hiện cắt tỉa, tạo tán cho vườn mận 6.000 m² thấy hiệu quả, ông Ảnh đang tiếp tục thực hiện cải tạo hơn 1 ha cây mận hậu trồng xen vườn cà phê của gia đình. Ông Ảnh, chia sẻ: Mận hậu trồng xen cây cà phê đã chục năm nay chủ yếu để chống sương muối cho cây cà phê, nên cây mận hậu chủ yếu để phát triển tự nhiên. Vài năm trở lại đây, nhiều cây già cỗi, sâu bệnh, quả nhỏ, một số cây quả chua, đắng khó bán. Khắc phục tình trạng đó, sau khi được tham gia lớp tập huấn của huyện tổ chức, gia đình tôi đã thực hiện cải tạo, cắt tỉa toàn bộ diện tích trồng mận hậu.

Phương pháp tỉa cành, tạo tán cho mận hậu đã được nông dân ở một số vùng trong tỉnh áp dụng thành công. Năm nay là năm đầu tiên huyện Mai Sơn tuyên truyền, triển khai nhân rộng mô hình này. Huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp và Hội Nông dân huyện phối hợp với các xã, HTX Tiến Đạt, xã Loóng Phiêng, huyện Yên Châu tổ chức 3 lớp tập huấn cắt tỉa mận hậu tại 3 cụm xã, với hơn 150 người tham gia.

Bà Nguyễn Thị Lan, Tổ trưởng Tổ khuyến nông trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn, chia sẻ: Chúng tôi đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đốn tỉa cành, cắt bỏ những cành chết, bệnh, cành tăm, nhằm điều chỉnh sinh trưởng của cây, tạo độ thông thoáng đủ ánh sáng giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh, điều khiển số lượng hoa quả theo mong muốn, nhằm nâng cao chất lượng quả mận và nâng cao giá trị kinh tế. Thực hiện phòng, trừ sâu bệnh hại cho cây mận, ưu tiên sử dụng các loại phân hữu cơ để bón cho mận vào các thời điểm thúc hoa, thúc quả non, thúc quả lớn và sau thu hoạch... Năm đầu triển khai mô hình cắt tỉa mận hậu được nông dân các xã hưởng ứng nhiệt tình, tích cực tham gia, qua đánh giá tại một số hộ gia đình mô hình được thực hiện khá hiệu quả. 

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thông tin: Đến nay, toàn huyện đã có 176 hộ, tại 12 xã trên địa bàn triển khai cắt tỉa, cải tạo hơn 76 ha mận hậu. Thời gian tới, Phòng và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, Hội Nông dân huyện tiếp tục phối hợp, hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây mận hậu để đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bền vững.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới