Biến phụ phẩm nông nghiệp thành tài nguyên tái tạo, thân thiện môi trường

Sử dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp đa dạng có sẵn tại địa phương, Hợp tác xã Nông nghiệp Sơn La, huyện Mai Sơn đã nghiên cứu, hỗ trợ các hộ gia đình, hợp tác xã ứng dụng phương pháp xử lý chất thải và nước thải sau chế biến cà phê, bã sắn, bã dong riềng... vào quy trình sản xuất tuần hoàn, thân thiện với môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững.

Tiên phong nghiên cứu sản xuất tuần hoàn

Thành lập cuối năm 2021, hiện nay, Hợp tác xã Nông nghiệp Sơn La có hơn 20 thành viên. Ngay từ khi thành lập, HTX đã phát triển sản xuất mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không chất thải (chăn nuôi đại gia súc - nuôi trùn quế - sản xuất phân bón hữu cơ), để tái sản xuất vỏ cà phê, nước sơ chế cà phê thành phân bón hữu cơ, thân thiện với môi trường, tạo giá trị kinh tế cho HTX.

Mô hình nuôi giun trùn quế tuần hoàn từ phân đại gia súc và vỏ cà phê sau sơ chế, chế biến thân thiện với môi trường.

Tham quan khu vực bể chứa ủ hoai mục vỏ cà phê trước khi đưa vào làm thức ăn dinh dưỡng nuôi trùn quế, có thể thấy, mới hơn 2 tuần ủ xử lý men vi sinh, vỏ cà phê đã dần hoai mục, không gây mùi khó chịu.

Anh Trần Đức Miền, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Sơn La, cho biết: Hiện nay, HTX đã xây dựng được Trung tâm nghiên cứu, xử lý phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn nuôi trùn quế để sản xuất phân bón hữu cơ, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ liên kết sản xuất. Riêng các mô hình xử lý nước thải cà phê, vỏ cà phê để nuôi trùn quế đang được HTX ứng dụng, nhân rộng sản xuất ra quy mô lớn. Trong vỏ cà phê và nước thải cà phê có một lượng đường nhất định thay thế được rỉ mật, làm thức ăn dinh dưỡng nuôi trùn quế rất hiệu quả.

Bảo vệ môi trường, tạo giá trị kinh tế

Hiện nay, HTX Nông nghiệp Sơn La có 4 trang trại chăn nuôi khoảng 900 con bò 3B thương phẩm, 300 con bò sinh sản tại xã Cò Nòi và xã Chiềng Mung. Đồng thời, liên kết với các hộ nuôi bò sữa, nuôi đại gia sức tại huyện Mộc Châu, huyện Thuận Châu và ký hợp đồng sản xuất với 7 hộ nuôi bò có quy mô gia trại tại huyện Mai Sơn, với hình thức vừa thu mua, tiêu thụ đại gia súc thương phẩm cho nông dân; thu mua cỏ voi tươi, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, như: Ngọn mía, lõi ngô, cây ngô... ủ ướp làm thức ăn chăn nuôi đại gia súc. Toàn bộ chất thải từ chăn nuôi đại gia súc được HTX hướng dẫn, hỗ trợ men vi sinh để xử lý làm thức ăn nuôi trùn quế.

Khu sơ chế giun sau thu hoạch của HTX Nông nghiệp Sơn La

Phát triển chăn nuôi phục vụ mô hình sản xuất hữu cơ từ nuôi trùn quế, đến nay, HTX có 1 ha nuôi giun trùn quế từ phân đại gia súc và nước thải cà phê, vỏ cà phê sau xử lý vi sinh. Trung bình mỗi tháng 1 ha nuôi trùn quế để sản xuất phân bón hữu cơ, cần khoảng 1.000 m3 phân đại gia súc và 600 m3 vỏ cà phê, cho ra thành phẩm khoảng 500 tấn phân bón hữu cơ. Không chỉ thu mua vỏ cà phê trên địa bàn tỉnh, HTX còn mở rộng thu mua, xử lý vỏ cà phê cho tỉnh Điện Biên. Ngoài ra, HTX liên kết với Công ty cổ phần năng lượng sạch Sơn La gia công sản xuất phân bón, đúng quy cách, chất lượng, mẫu mã, trọng lượng theo quy định.

Sản phẩm phân bón hữu cơ từ phân trùn quế có chứa trứng giun, sử dụng lâu dài sẽ cải tạo đất, cải thiện năng suất cây trồng, thân thiện với môi trường. Sản phẩm đang được cung cấp cho các chuỗi trồng rau sạch tại địa bàn huyện Mộc Châu, HTX cà phê Bích Thao, Thành phố và các hộ trồng, chăm sóc cây ăn quả, cây cảnh trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, doanh thu từ phân hữu cơ trùn quế đạt trên 30 tỷ đồng. HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động địa phương, thu nhập từ 6-10 triệu đồng/người/tháng.

Sản phẩm phân bón hữu cơ được thu hoạch phân phối cho chuỗi trồng rau, cà phê và hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn.

Tham gia liên kết sản xuất với HTX Nông nghiệp Sơn La, HTX cà phê Bích Thao được chuyển giao công nghệ, giúp các thành viên sản xuất cà phê xử lý nước thải, chất thải cà phê sau chế biến. Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Bích Thao, chia sẻ: Tham gia liên kết sản xuất, đôi bên được hưởng lợi, chất thải và phế phẩm cà phê sau chế biến được xử lý, đảm bảo môi trường. Sản phẩm phân bón hữu cơ trùn quế dùng trong sản xuất giúp cải tạo đất, từ đó nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm của HTX, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu của đối tác.

Nhân rộng mô hình 

Đồng hành, hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các HTX, HTX Nông nghiệp Sơn La còn đẩy mạnh hợp tác, hướng dẫn kỹ thuật nhân rộng mô hình xử lý phụ phẩm nông nghiệp ở hộ gia đình, các hộ sơ chế cà phê.

HTX Nông nghiệp Sơn La tư vấn, hướng dẫn gia đình ông Phạm Hùng Cường, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn xử lý nước thải cà phê sau chế biến.

Cơ sở sơ chế cà phê của gia đình ông Phạm Hùng Cường, thôn Hoàng Văn Thụ, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn mỗi năm thu mua, chế biến khoảng 1.200-1.500 tấn cà phê tươi, có hàng trăm mét khối nước thải và vỏ cà phê sau sơ chế cần được xử lý. Cơ sở đã đầu tư làm bể chứa, lót bạt HDPE và áp dụng nhiều giải pháp trong xử lý nước thải, như: Dùng vôi bột, một số men vi sinh xử lý... tuy đã kiềm chế được mùi hôi thối, giảm ô nhiễm môi trường, nhưng vẫn chưa đạt kết quả tối ưu.

Ông Cường nói: Hơn 10 năm thu mua và sơ chế cà phê, điều tôi luôn quan tâm là tìm kiến giải pháp tối ưu, xử lý triệt để nước thải cà phê sau sơ chế và có thể tái sử dụng trong sản xuất. Được HTX Nông nghiệp Sơn La hỗ trợ, hướng dẫn việc xử lý nước thải cà phê bằng men vi sinh. Ngay sau khi kết thúc niên vụ chế biến cà phê, giữa tháng 2/2023, gia đình đã áp dụng ngay việc ủ men, xử lý nước thải từ bệ kỵ khí và sục tạo vi sinh lợi khuẩn để xử lý nước thải cà phê. Sau hơn 1 tháng áp dụng phương pháp này, nước qua xử lý giảm mùi hôi thối rất nhiều, nước thải sau xử lý đã được tái sử dụng làm phân bón dinh dưỡng bón cho các loại cây ăn quả khác. Tôi sẽ tuyên truyền, vận động các hộ sơ chế và chế biến cà phê ở địa phương áp dụng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Cán bộ kỹ thuật của HTX Nông nghiệp Sơn La kiểm tra mô hình nước thải cà phê sau xử lý, lấy mẫu kiểm tra chất lượng.

Thăm hộ ông Nguyễn Văn Thưởng, thôn Hoàng Văn Thụ, xã Chiềng Mung, là gia đình đã tham gia áp dụng phương pháp xử lý nước thải cà phê năm nay. Ông Thưởng chia sẻ: Chúng tôi mới được HTX Nông nghiệp Sơn La hướng dẫn và áp dụng phương pháp xử lý nước thải cà phê. Sau hơn 1 tháng, mùi hôi thối giảm đi rất nhiều, nước thải cà phê sau xử lý đã có thể tái sử dụng làm phân bón bổ sung cho cây trồng. Niên vụ thu hoạch cà phê 2023-2024, tôi sẽ áp dụng phương pháp xử lý vỏ cà phê làm phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất hoặc cung cấp ra thị trường, tăng thu nhập cho gia đình.

Thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc xử lý nước thải cà phê bằng men vi sinh, anh Trần Đức Miền chia sẻ thêm: Sau khi hướng dẫn các hộ sơ chế cà phê sử dụng chế phẩm sinh học EcoMic HT của Công ty TNHH Dược Hanvet, tỉnh Hưng Yên, HTX lấy mẫu, phân tích nước thải sau xử lý đảm bảo không có mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường. Các thông số phân tích cho thấy nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn nước thải sử dụng cho cây trồng, nước thải chế biến cà phê có chứa thành phần hữu cơ tốt cho cây trồng. 

Không chỉ thành công trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, khép kín, ứng dụng xử lý môi trường nước thải cà phê làm nước dinh dưỡng tới cho cây trồng và tưới ẩm cho giun; tái sản xuất vỏ cà phê thành phân bón hữu cơ, HTX Nông nghiệp Sơn La đang tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng giải pháp xử lý nước thải, phụ phẩm nông nghiệp sau chế biến sắn để đưa vào tái sử dụng nuôi trùn quế, tạo giá trị kinh tế, giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường, tạo giá trị gia tăng cho HTX, người sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững cho địa phương.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới