Bảo đảm tiến độ gieo cấy vụ xuân

LTS: Vụ xuân là vụ quan trọng trong năm, nhưng lại gặp nhiều khó khăn do những bất lợi của thời tiết, như rét đậm, rét hại, thiếu nước, sâu bệnh. Để bảo đảm sản xuất vụ xuân thắng lợi, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tập trung chỉ đạo gieo cấy đúng khung thời vụ. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT về vấn đề này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

                                       

Nông dân xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu làm đất chuẩn bị gieo mạ vụ xuân.

             

PV: Xin bà cho biết kế hoạch triển khai sản xuất vụ xuân năm nay?

             

Cầm Thị Phong: Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 12.500 ha, với các giống lúa ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao, chống sâu bệnh và chịu hạn. Sở Nông nghiệp & PTNT đã hướng dẫn các địa phương về cơ cấu giống và khung thời vụ năm nay từ trung tuần tháng 1 và kết thúc gieo cấy vụ xuân vào 30/3/2022. Theo đó, các địa phương chỉ đạo nhân dân khẩn trương thu hoạch cây vụ đông để kịp thời giải phóng đất cho vụ sản xuất. Theo thống kê, thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch khoảng trên 300 ha ngô, trên 850 ha rau... Hiện, tại huyện Quỳnh Nhai và Sốp Cộp đã gieo cấy được 340 ha lúa xuân sớm. Các địa phương đẩy nhanh tiến độ làm đất, chuẩn bị giống, vật tư nông nghiệp, huy động ra quân làm thủy lợi, bảo đảm tiến độ theo lịch thời vụ, phấn đấu đến hết tháng 3, sẽ hoàn thành kế hoạch gieo cấy vụ xuân năm nay.

             

PV: Những khó khăn chính và biện pháp khắc phục để bảo đảm sản xuất vụ xuân thắng lợi, thưa bà?

             

Cầm Thị Phong: Vụ xuân thường bị ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại và sâu bệnh. Bên cạnh đó, giá phân bón liên tục tăng cao, nguồn cung hạn chế, đặc biệt do tác động của dịch Covid-19 kéo dài. Tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ, sử dụng phân bón lãng phí làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, gây ô nhiễm môi trường và gây mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp.

             

Ngay từ đầu vụ sản xuất, Sở Nông nghiệp & PTNT đã đề nghị UBND các huyện, thành phố chủ động hướng dẫn các xã, HTX, các hộ gia đình tổ chức sản xuất theo khung lịch thời vụ và cơ cấu giống. Bố trí thời gian gieo cấy phù hợp, tránh những tác động của thời tiết, hạn hán làm giảm năng suất lúa. Chủ động và sẵn sàng các phương án phòng, chống rét kịp thời; chuẩn bị đủ nguồn giống dự phòng đảm bảo chất lượng để chủ động khắc phục khi cần thiết.

             

PV: Thưa bà, để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ xuân, công tác thủy lợi đã được thực hiện thế nào?

             

Cầm Thị Phong: Toàn tỉnh hiện có 2.701 công trình thủy lợi với trên 3.000 km kênh mương, gồm 1.409 km kênh kiên cố, 169,3 km đường ống, 1.443,7 km kênh đất, đảm bảo cấp nước cho trên 31.600 ha lúa, hoa màu và thủy sản; tiêu thoát nước cho khu vực nông thôn và đô thị 69.234 ha. Hiện, có 2.698 công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được giao cho Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi Sơn La quản lý, khai thác.

             

Để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng, Sở đã phối hợp các huyện, thành phố và chỉ đạo Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi tập trung sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ; nạo vét cống đầu mối, kênh mương, khơi thông dòng chảy và đắp đập tạm để trữ nước. Tăng cường tận dụng các ao hồ nhỏ, vùng trũng để tích trữ nước phục vụ sản xuất. Đồng thời, xây dựng phương án chống hạn, theo dõi dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn để kịp thời triển khai các giải pháp chống hạn, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất do hạn hán gây ra. Rà soát, cập nhật, cân đối nguồn nước, tiếp tục kiểm tra, tổng hợp cụ thể nguồn nước các hồ chứa, xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý. Đồng thời, có hướng dẫn đối với diện tích không đủ nước cấy lúa thì chuyển sang cây trồng khác có nhu cầu nước ít hơn và thời gian ngắn hơn; diện tích không có nước chủ động dừng không gieo cấy...

             

PV: Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường giống, phân bón được triển khai như thế nào, thưa bà?

             

Cầm Thị Phong: Sở đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tăng cường hướng dẫn nông dân ưu tiên sử dụng những giống ngắn ngày hoặc cực ngắn và những giống có khả năng chống chịu được với các điều kiện thời tiết bất lợi. Hướng dẫn người dân sử dụng phân bón cân đối, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, chủ động sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón vô. Điều tra, dự tính, dự báo, phát hiện sớm và chủ động phòng trừ kịp thời các loại sinh vật gây hại làm ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng vụ xuân.

             

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức các cuộc kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh vật tư nông nghiệp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, giống cây trồng trên địa bàn toàn tỉnh. Các huyện, thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng kinh doanh hàng giả, kém chất lượng trong thời điểm nhu cầu về giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tăng cao.

             

PV: Xin cảm ơn bà.

             

Nguyễn Yến (thực hiện)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới