Trái ngọt trên đất Chiềng Cang

Những năm qua, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, chuyển diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế; ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Thành viên HTX nông nghiệp hữu cơ Trung Dung, bản Anh Chung thu hoạch nhãn chín sớm.

Thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh, xã đã chỉ đạo các bản hướng dẫn nhân dân lựa chọn cây trồng, huy động nguồn lực để cải tạo vườn tạp. Các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho hội viên, đoàn viên tham gia các lớp tập huấn, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng mô hình kinh tế. Ông Trần Quốc Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã, thông tin: Chỉ tính riêng năm 2022, nhân dân trong xã đã chuyển đổi 107 ha đất trồng ngô, sắn năng suất thấp sang trồng cây ăn quả. Đến nay, toàn xã có trên 1.328 ha cây ăn quả các loại, trong đó, hơn 1.000 ha nhãn, sản lượng dự kiến đạt 8.500 tấn quả.

Bản Tre là một trong những bản có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả. Trong căn nhà sàn khang trang, ông Lò Văn Diên, Bí thư chi bộ, Trưởng bản, phấn khởi: Cả bản có 119 hộ, cuộc sống của bà con có nhiều đổi thay. Các diện tích đất bạc màu dần được thay thế bằng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Chi bộ, Ban quản lý bản tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân dồn điền đổi thửa; chủ trương này được nhân dân đồng tình ủng hộ, nhất trí cao. Đến nay, bản có 150 ha cây ăn quả các loại. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 25%.

Thăm mô hình của anh Lò Văn Miên, bản Tre, đúng thời điểm chăm bón 5 ha cây ăn quả. Nhờ trồng cây ăn quả, gia đình anh đã thoát nghèo, vươn lên khá giả. Anh Miên chia sẻ: Gần 2 tháng nữa là đến vụ thu hoạch nhãn, xoài. Thời điểm này, tôi cũng như các hộ khác trong bản tập trung tỉa quả và bón phân cung cấp dinh dưỡng cho cây. Đồng thời, chăm sóc diện tích cam vừa cho thu hoạch xong. Năm 2022, gia đình thu lãi 250 triệu đồng từ cây ăn quả.

Điều đáng mừng, các hộ dân trong xã đã liên kết thành lập được 9 HTX trồng cây ăn quả, với tổng diện tích là 330 ha. Trong đó, có 160 ha đạt tiêu chuẩn sản xuất VietGAP; có 4 HTX được cấp 9 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Australia, Mỹ, với diện tích là 89,5 ha nhãn. Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp hữu cơ Trung Dung, bản Anh Trung, thành lập năm 2019 với 14 thành viên; chăm sóc 36 ha cây ăn quả các loại, trong đó 20 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. HTX đã vận động thành viên chuyển đổi trồng 15 ha nhãn chín sớm. Thu nhập bình quân đạt trên 300 triệu đồng/thành viên/năm. Hiện nay, HTX đang kết nối với một số bạn hàng đưa sản phẩm nhãn vào các siêu thị ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng và một số chợ đầu mối ở Hà Nội, Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Hữu Dậu, thành viên HTX Nông nghiệp hữu cơ Trung Dung, chia sẻ: Trồng cây ăn quả cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trồng ngô, sắn. Những diện tích được đầu tư thâm canh cao, sử dụng giống mới và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP có thể đạt từ 200-500 triệu đồng/ha.

Theo nông dân trong xã, cây mắc ca cũng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Do hiệu quả kinh tế cao, nên nhiều hộ ở bản Bó Lạ trồng, chăm sóc 3 ha loại cây này. Năm 2018, anh Lường Văn Sươi, bản Bó Lạ, đầu tư 10 triệu đồng trồng 100 cây mắc ca trên diện tích 7.000m2. Hiện nay, gia đình anh đã có 300 cây mắc ca, trong đó, 100 cây đã cho thu hoạch, năng suất đạt 6 tạ quả, thu nhập 60 triệu đồng. Anh Sươi cho biết: Nếu trước đây, diện tích này trồng cây ngô thì chỉ thu được 20 triệu đồng, nhưng trồng mắc ca thu nhập cao gấp 2-3 lần. Năm nay, 300 cây mắc ca đều ra quả, năng suất ước đạt hơn 2 tấn quả.

Năm 2023, Chiềng Cang phấn đấu trồng mới 20 ha cây ăn quả các loại. UBND xã tập trung sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ nhân dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cải tạo vườn tạp. Vận động thành lập HTX để liên kết sản xuất theo quy trình VietGAP, tìm mối bao tiêu sản phẩm. Phối hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn xây dựng mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao... Đồng thời, chú trọng mở rộng diện tích cây quế, cây mắc ca, góp phần nâng cao tỷ lệ phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất đã và đang góp phần xóa đói, giảm nghèo cho vùng đất Chiềng Cang. Tin rằng, với những định hướng đúng đắn, quy hoạch vùng trồng phù hợp, cây ăn quả nơi đây sẽ mang lại cho nhân dân cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới