Thêm lực cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, huyện Vân Hồ đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả, tạo động lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Giọng nữ

Vân Hồ là huyện biên giới có 14 xã với 5 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 93,6% dân số toàn huyện. Chăm lo, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, huyện đã thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư của Nhà nước, triển khai hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và công cụ sản xuất; quan tâm đào tạo nghề, hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài…

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Dân tộc huyện Vân Hồ, cho biết: Phòng đã tham mưu tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc tiểu số và miền núi, triển khai các chính sách dân tộc. Hướng dẫn các xã có bản đặc biệt khó khăn phổ biến, tuyên truyền để nhân dân nắm được các chế độ chính sách, quyền lợi và trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách tại vùng dân tộc thiểu số. Tổ chức triển khai các chương trình, chính sách dân tộc phù hợp, thiết thực, giúp bà con từng bước nâng cao đời sống, nhất là với hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Tập huấn kỹ năng sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho nhân dân xã Suối Bàng.

Từ năm 2021 đến nay, huyện Vân Hồ đã phân bổ, huy động các nguồn vốn trên 336 tỷ đồng để triển khai các dự án 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Với nguồn vốn trên, đã thực hiện trên 80 dự án xây dựng hạ tầng nông thôn và các công trình phục vụ đời sống sinh hoạt sản xuất của nhân dân; hỗ trợ đất ở cho 51 hộ, nhà ở cho 70 hộ; hỗ nông cụ, máy móc cho 132 hộ thiếu đất sản xuất; hỗ trợ nước vật dụng chứa nước cho 360 hộ khó khăn về nước sinh hoạt; tổ chức 15 lớp đào tạo nghề cho hơn 470 người là dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Tuyến đường đến bản Bướt, xã Chiềng Yên được bê tông hoá.

 Ngoài nguồn vốn các chương trình MTQG, các chính sách an sinh xã hội khác dành cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã được thực hiện hiệu quả. Giai đoạn 2019-2024, huyện Vân Hồ đã thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, như: Miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 70.800 lượt học sinh với tổng số tiền trên 47 tỷ đồng; cấp hơn 60.000 thẻ BHYT ; hỗ trợ tiền điện cho hơn 18.600 lượt hộ với tổng số tiền hơn 10,8 tỷ đồng; hỗ trợ 200 tấn gạo cứu đói cho hơn 3.000 lượt hộ, với số tổng số gần 200 tấn; hỗ trợ sửa chữa, xây dựng xóa nhà tạm cho hơn 1.300 hộ…

Khu sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao của HTX Mộc Vân Green, bản Suối Lìn, xã Vân Hồ 

Bên cạnh đó, khai thác tiềm năng, lợi thế vùng, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất gắn xây dựng thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển sản xuất. Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ 13.349 lượt khách hàng vay vốn theo các chương trình tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế với tổng dư nợ đạt trên 517 tỷ đồng... Đến nay, huyện đã hình thành 3 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, gồm: Vùng sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại xã Vân Hồ và Chiềng Xuân; vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Vân Hồ, Tô Múa, Lóng Luông, Song Khủa, Mường Men; vùng chăn nuôi tập trung ở xã Xuân Nha.

Sản phẩm của HTX sản xuất và chế biến măng sạch Xuân Nha.

HTX sản xuất và chế biến măng sạch Xuân Nha đang thực hiện liên kết với 645 hộ gia đình sản xuất măng trên địa bàn nhằm bao tiêu sản phẩm, tăng thu nhập cho nhân dân, tạo ra sản phẩm mang thương hiệu riêng của HTX và giải quyết việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Chị Lò Thị Nguyễn, Giám đốc HTX sản xuất và chế biến măng sạch Xuân Nha, cho biết: Việc trồng và phát triển cây măng bát độ được huyện, xã, bản quan tâm, phụ nữ dân tộc thiểu số ủng hộ, hăng hái tham gia. Hiện mô hình đã phát triển được 1.000ha măng, hằng năm mô hình phát triển măng sạch đã tạo việc làm thời vụ cho 50 - 100 lao động nữ dân tộc thiểu số với mức công lao động từ 4 triệu đồng.

Việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc kết hợp với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giúp huyện Vân Hồ thoát khỏi danh sách huyện nghèo vào năm 2023; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn hơn 17,7%.

Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới